Anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng và được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. |
Anh Hồ Thanh Tuấn tốt nghiệp Đại học An Giang chuyên ngành Công nghệ Sinh học và có thời gian làm thực tập sinh tại Israel. Anh đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng và được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với các khoản hỗ trợ khác để xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên trên địa bàn xã.
Vụ đầu tiên trong năm 2019, anh Hồ Thanh Tuấn trồng 3.000 gốc dưa với diện tích 1.000m2. Anh chọn giống dưa nhập khẩu từ Israel. Anh Tuấn nhận xét: “Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa cách ly với côn trùng gây hại và ứng phó với thời tiết bất thường… Hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao được đầu tư theo công nghệ Israel dẫn đến tận gốc và hoàn toàn tự động đã tiết kiệm lượng nước sử dụng và chi phí lao động".
Dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại năng suất, chất lượng vượt trội nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc anh đã thu hoạch 3,5 tấn, trọng lượng 1,2 – 1,6 kg/trái với giá bán 32.000 đồng/kg. Vườn dưa cho thu nhập 112 triệu đồng.
Dưa trồng đúng quy trình theo công nghệ cao. Không trồng trên mặt đất mà trồng trên giá thể giúp hạn chế mầm bệnh có trong đất (giá thể gồm xơ dừa, đất, chất dinh dưỡng và men vi sinh), không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.
Ngoài ra anh Hồ Thanh Tuấn còn đặt một tổ ong vào trong nhà màng để ong thụ phấn tự nhiên nhằm giúp cho dưa lưới đậu trái và cho năng suất cao. Sản phẩm dưa lưới của anh Tuấn đã được Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long – TP Bình Dương đến tận nơi thu mua. Đây là điểm khởi đầu thuận lợi do có đầu ra ổn định.
Dưa lưới là giống cây ăn quả ngắn ngày, có thể trồng 3-4 vụ/năm. Anh Tuấn cho biết sẽ mở rộng thêm nhà màng, nâng tổng diện tích 2.000m2 nhằm gia tăng sản lượng và thu nhập.