Phát triển vịt cổ xanh bản địa thành mũi nhọn kinh tế

Bình luận · 6 Lượt xem

Các hộ nông dân tại Sơn La đang phát triển mô hình vịt cổ xanh bản địa, nhờ hiệu quả kinh tế mà không tốn nhiều thời gian và chi phí chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Tâm, trú tại thôn 6 (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) đã thành công với mô hình chăn nuôi giống vịt cổ xanh bản địa của tỉnh Sơn La.

Giống vịt nổi tiếng với khả năng đề kháng tốt và thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đây là giống vịt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng thịt thơm ngon, chắc và không bị bệnh , đặc điểm nhận dạng thường cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu có lông khoang.

Giá bán thương phẩm giao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, sản phẩm vịt của bà Tâm luôn có đầu ra ổn định nhờ vào các đơn đặt hàng đều đặn từ các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Sơn La.

Công tác tiêm vacxin được chú trọng theo khuyến cáo của nhân viên thú y. Trước khi tái đàn, vịt mới nở được 03 ngày tuổi tiêm vacxin viêm gan, đến 07 ngày tuổi tiêm vacxin dịch tả lần 1; 15 ngày tuổi tiêm vacxin cúm gia cầm; 21 ngày tuổi tiêm vacxin dịch tả lần 2; 45 ngày tuổi tiêm vacxin cúm gia cầm lần 2. Sau khi tiêm phòng, đàn vịt có sức đề kháng tốt, hạn chế tối đa rủi ro mắc bệnh và phát triển nhanh chóng.

Giá con giống nhập từ các lò ấp dao động từ 17.000 - 18.000 đồng một con. Sau khoảng 3 tháng rưỡi đến 4 tháng nuôi dưỡng, vịt của bà có thể đạt trọng lượng từ 1,7 - 1,8kg, đây là thời điểm thích hợp để xuất chuồng và đảm bảo chất lượng thịt tốt nhất.

Để đảm bảo chất lượng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bà Tâm thực hiện nghiêm ngặt quy trình dinh dưỡng cho vịt. Thức ăn của đàn vịt chủ yếu là ngô, cám gạo và bột đậu xanh, những loại thức ăn tự nhiên giúp vịt phát triển khỏe mạnh, trộn tất cả rồi cho vào máy ép cám viên.

Mỗi ngày, đàn vịt được cho ăn hai bữa vào buổi sáng và buổi tối, với tổng chi phí thức ăn cho một con vịt vào khoảng 60.000 - 70.000 đồng.

Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện đầy đủ, hạn chế mùi hôi và đảm bảo sức khỏe cho đàn vịt cổ xanh. Ảnh: Đức Bình.

Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện đầy đủ, hạn chế mùi hôi và đảm bảo sức khỏe cho đàn vịt cổ xanh. Ảnh: Đức Bình.

Không chỉ chú trọng về dinh dưỡng, công tác giữ gìn vệ sinh chuồng trại cũng được đảm bảo. Cứ sau 10 ngày, bà thực hiện việc dọn dẹp chuồng trại, sử dụng vôi bột để rắc xung quanh nền và chuồng nhằm diệt khuẩn. Sau đó, bà tiến hành rửa sạch bằng nước, đảm bảo không có mùi hôi và luôn giữ cho môi trường sống của vịt được thông thoáng, sạch sẽ. Bể nước cao từ 20 - 30cm cũng được bố trí hợp lý để vịt có thể tắm và uống nước hàng ngày, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho đàn vịt.

Một yếu tố quan trọng khác trong mô hình chăn nuôi của bà Tâm là sự đầu tư bài bản vào chuồng trại. Bà đã đầu tư hơn 500 triệu để xây 5 chuồng có mái che đầy đủ tránh mưa gió trên diện tích 2.500m² từ năm 2022, các chuồng trại được chia thành từng khu vực theo từng giai đoạn phát triển của vịt, từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Điều này giúp bà dễ dàng quản lý và chăm sóc đàn vịt một cách hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa diện tích sử dụng.

Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học, bà Tâm đạt thu nhập ổn định từ việc bán vịt thương phẩm. Trung bình mỗi tháng, bà xuất chuồng từ 200 đến 300 con vịt theo đơn đặt hàng từ các nhà hàng trong và ngoài tỉnh Sơn La, thu lãi về từ 10 - 13 triệu đồng mỗi tháng.

Để chuẩn bị cho dịp Tết năm nay, bà Tâm đã lên kế hoạch xuất chuồng hơn 500 con, công tác tái đàn được diễn ra đều theo hàng tháng, với kỳ vọng phổ biến nhiều hơn nữa giống vịt tới thị trường cả nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La: “Giống vịt cổ xanh bản địa là hướng đi mới trong công tác chăn nuôi của bà con ở Sơn La, nhờ đề kháng tốt và chất lượng thịt ngon, bên cạnh đó kỹ thuật chăm sóc cũng khá đơn giản không tốn nhiều thời gian hay chi phí. Chi cục đang lên kế hoạch hỗ trợ bà con tiếp tục phát triển giống vịt này rộng rãi trên địa bàn.”

Bình luận