Nông hộ nhỏ về diện tích nhưng lớn về giá trị

Bình luận · 229 Lượt xem

Là nhóm đối tượng yếu thế, nhưng nông hộ nhỏ góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn trong thời đại công nghiệp 4.0, theo nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Phân tầng xã hội ngày một tăng

Tại hội thảo về cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, tỷ lệ dân số nông thôn Việt Nam giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua, từ 76,4% năm 1999 xuống còn 62,4% vào năm 2022.

"Mức độ giảm này vẫn chậm hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Tỷ lệ dân số nông thôn cũng khác biệt theo vùng", ông Vinh nói.

Cụ thể, tại một số khu vực như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ dân số nông thôn tương ứng là 78,3%; 71% và 73,3%. Ngược lại, ở Đông Nam bộ, tỷ lệ chỉ là 33,5%.

Tỷ lệ lực lượng lao động nông thôn từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo tăng hơn 3 lần, từ 5,5% năm 2000 lên 17,7% vào năm 2022.

Bên cạnh đó, cơ cấu việc làm cũng dịch chuyển dần sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn từ 2015-2021, tỷ lệ lao động trong nông lâm nghiệp, thủy sản và lao động giản đơn ở nông thôn giảm từ 63,7% xuống còn gần 50%. Tuy nhiên, con số này vẫn cao so với cả nước, giảm từ 43,6% xuống còn 29,1%.

Tình trạng trên dẫn đến thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở nông thôn có mức tăng thấp, từ 1,8 triệu đồng năm 2000 lên 3,8 triệu năm 2022. Mức sống này có xu hướng bị ảnh hưởng, nhất là trong giai đoạn Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh đánh giá, nông thôn Việt Nam giống nhiều xã hội khác trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, mức độ phân tầng xã hội theo mức sống gia tăng và cao hơn khu vực thành thị.

Một số vấn đề nảy sinh trong quá trình này, như quan hệ ruộng đất, đất đai; chính sách khóa và giải thể HTX nông nghiệp thời kỳ đầu Đổi mới; sự biến đổi về văn hóa, cấu trúc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng từ truyền thống sang hiện đại; các mối quan hệ xã hội, tính liên kết cộng đồng; mô hình an sinh xã hội truyền thống dựa trên gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã...

"Biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn là quá trình phức tạp và đa dạng, liên quan đến các yếu tố truyền thống và hiện đại, vừa mang tính quy luật tất yếu vừa thể hiện những đặc thù riêng", ông Vinh nhận xét.

Được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Xã hội học, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận và công bố các kết quả nghiên cứu cập nhật về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa, già hóa dân số và hội nhập quốc tế.

Nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ướng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời cung cấp thêm bằng chứng và luận cứ khoa học cho triển khai chiến lược, chính sách phát triển bền vững nông thôn, Hội thảo đã được nghe 18 bài tham luận từ khoảng 80 đại biểu. 

TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng thay đổi trong cấu trúc xã hội nông thôn đã có những ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng thay đổi trong cấu trúc xã hội nông thôn đã có những ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Quan hệ mật thiết với chính sách đất đai

Tham luận tại hội thảo, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận, những sự thay đổi trong cấu trúc xã hội nông thôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là giai đoạn sau Đổi mới.

Ông Phát cho biết, từ năm 1993, ruộng đất thuộc các HTX được giao cho nông dân tự chủ sản xuất. Hộ gia đình trở thành chủ thể sản xuất chính trong nông nghiệp, nông thôn. Các nông, lâm trường quốc doanh thực hiện rà soát, thu hẹp phạm vi quản lý đất đai, thực hiện khoán vườn cây lâu năm, đất đai cho người lao động và cổ phần hóa. Đồng thời, xuất hiện các hộ sản xuất quy mô lớn theo hình thức trang trại và hình thành ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Đặc biệt, trong lòng nông thôn đã hình thành một số chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Những ngành như mía đường, sữa, chăn nuôi gia công, nông dân đã liên kết chặt chẽ", ông bày tỏ.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giữa nông hộ và doanh nghiệp cũng có sự phân hóa. Nông hộ chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cần nhiều lao động thủ công, chẳng hạn trồng trọt. Ngược lại, trong các lĩnh vực có thể cơ giới hóa, tự động hóa thì doanh nghiệp chiếm ưu thế, nhất là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

Người nông dân tại vùng ven Hội An tát nước. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Người nông dân tại vùng ven Hội An tát nước. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Một xu thế nữa được ông Phát nhắc, là ngày càng nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp hoặc di cư vào các đô thị. Do đó, lao động nông thôn già hóa nhanh.

"Giai đoạn đầu Đổi mới, nông nghiệp phát triển mạnh. Nước ta chú trọng phát triển sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa gạo. Từ năm 1990, sản xuất lúa gạo đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và có dư để xuất khẩu. Những năm sau đó, sản xuất lúa gạo tiếp tục gia tăng như một lợi thế của quốc gia, chủ yếu nhờ tăng năng suất", ông nhấn mạnh. 

Nhìn lại những diễn biến liên quan đến cơ cấu xã hội nông thôn, TS. Cao Đức Phát khẳng định, chính sách đối với đất đai như một tư liệu sản xuất chính có tác động mạnh mẽ đến xã hội nông thôn và phát triển nông nghiệp. Đó cũng là cơ sở để hình thành các giai tầng xã hội. "Thay đổi chính sách đất đai làm thay đổi cấu trúc xã hội và cũng làm thay đổi động lực phát triển nông nghiệp", ông phân tích. 

Trong bối cảnh hiện nay, ông Phát nhận xét, nhóm nông hộ nhỏ là đối tượng yếu thế, dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Ông kêu gọi, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ các nông hộ nhỏ để họ không bị bỏ rơi, tụt hậu, mà có cơ hội tiếp tục vươn lên, đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia.

"Nông hộ nhỏ phải đối diện với nhiều vấn đề, nhưng vẫn có thể phát huy tác dụng thông qua huy động nguồn lực sẵn có kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, trở thành các cơ sở sản xuất nhỏ về diện tích nhưng lớn về giá trị. Nếu được hỗ trợ phù hợp, đối tượng này đủ sức hình thành một cấu trúc xã hội mới ở nông thôn, trong đó người dân nghèo được tạo cơ hội tự chủ sản xuất kinh doanh và có địa vị xã hội được nâng cao", vị chuyên gia nông nghiệp kết luận

Bình luận