Dấu ấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bình luận · 3 Lượt xem

Giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường và các liên kết tiêu thụ được mở rộng, thúc đẩy là những dấu ấn quan trọng trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại huyện Lạc Sơn. Cùng với

Nổi tiếng là "thủ phủ” của cây dổi quý, các xã vùng Quyết Thắng từ lâu đã nghĩ đến việc phát triển mô hình và làm giàu từ cây trồng đặc sản. Với sự quan tâm, hỗ trợ của huyện trong xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm, "Hạt dổi Lạc Sơn” xuất xứ xã Chí Đạo trở thành sản phẩm đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ bảo bộ nhãn hiệu tập thể. Đối với người trồng dổi vùng Quyết Thắng, mặc dù hiện nay có một số địa phương đưa giống dổi ghép về trồng dẫn đến gia tăng diện tích, giá trị kinh tế không cao như trước nhưng hạt dổi Lạc Sơn vẫn giữ được uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Tại xã Chí Đạo thành lập được Hợp tác xã (HTX) cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp với hơn 20 thành viên tham gia. Hạt dổi Lạc Sơn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019.
 
Ớt rẽ cũng là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu ở vùng Quyết Thắng. Nhờ được nhân giống trên rừng nên ớt rẽ có mùi thơm và vị cay đặc biệt. Trước đây, người dân xã Phú Lương (nay sáp nhập thành xã Quyết Thắng) thu hái và bán ớt rẽ theo kiểu nhỏ lẻ. Từ khi xây dựng, triển khai Chương trình OCOP, bà con chú trọng mở rộng quy mô diện tích vùng trồng, thành lập mô hình HTX, đồng thời thực hiện quy trình sơ chế, chế biến ớt muối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp kéo dài thời gian bảo quản, sử dụng sản phẩm tới 24 tháng. Sản phẩm "Ớt rẽ Phú Lương” đã được tỉnh chứng nhận OCOP 3 sao.      
 
Huyện Lạc Sơn còn là vùng đất thương hiệu của gà ri (gà Mò) đặc sản với đặc điểm là giống gà bản địa sống trên vùng núi đá vôi, tự kiếm ăn, da mỏng, ít mỡ, thịt chắc, thơm.     Đàn gà của địa phương phát triển mạnh với quy mô hàng triệu con,    tập trung ở các xã vùng cao, vùng   Quyết Thắng, Cộng Hòa, Đại Đồng. Trên địa bàn thành lập được một số HTX chăn nuôi và cung ứng gà Lạc Sơn cho thị trường trong và ngoài tỉnh, như HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng; HTX chăn nuôi và cung ứng gà đồi Chí Thiện…
 
Đặc biệt, tại Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 7/4/2023 của Huyện ủy về công tác dồn điền, đổi thửa và phát triển sản phẩm OCOP đã xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thể hiện quyết tâm phấn đấu của địa phương với mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm OCOP; huyện có từ 1 sản phẩm trở lên đạt OCOP 4 sao. 
 
Với những giải pháp tích cực, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế, đa dạng về chủng loại, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến và quảng bá, xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP đạt được những kết quả quan trọng, đồng thời để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, huyện có 15 sản phẩm được chứng nhận, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao, 14 sản phẩm OCOP 3 sao. Tiêu biểu là sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần ở xã Nhân Nghĩa đạt        4 sao và đã có mặt tại thị trường  xuất khẩu; các sản phẩm đạt 3 sao như: gạo nếp Trứng Khe của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Miền Đồi; mật ong Thành An của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xã Mỹ Thành; thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh  Trần Đình Lâm, xã Vũ Bình; dệt thổ cẩm của HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, xã Yên Nghiệp; rượu cần Mường Khói của hộ kinh doanh Bùi Văn Hảo, xã Ân Nghĩa; sim rừng Phương Bắc của Công ty TNHH Phương Bắc… Huyện đang hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và chuẩn hóa đối với 6 sản phẩm OCOP được xây dựng trong năm 2024, gồm: muối hạt dổi, măng chua, chả ốc, vịt cổ xanh, bột nghệ gia vị, trứng gà thảo dược.
 
Theo đồng chí Phan Thị Hạnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn, từ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, Chương trình OCOP đã phát triển các sản phẩm có chất lượng cao theo đúng quy chuẩn giúp tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Minh chứng là hiện nay, các sản phẩm OCOP được chứng nhận có sức tiêu thụ tốt hơn, không chỉ được bán trực tiếp mà còn qua các sàn thương mại điện tử, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, có truy xuất rõ ràng nguồn gốc. Chương trình đồng thời tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
 
 
Bùi Minh
Bình luận