Làng hoa liêu xiêu vì giá cây giống tăng vọt

Bình luận · 48 Lượt xem

Sau trận lụt lịch sử, làng hoa Văn Giang liêu xiêu vì cây giống tăng giá gấp 3 – 4 lần. Không những thế, nguồn cây giống lại khan hiếm, không có để mua.

Xuân Quan và Phụng Công là hai làng hoa, cây cảnh nổi tiếng ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây là một trong những vùng chuyên canh hoa và cây cảnh lớn nhất miền Bắc. Cơn bão số 3 và lũ lụt vừa qua đã khiến vùng trồng hoa ở đây bị thiệt hại nặng nề. 

Giá cây giống tăng 2 đến 6 lần

Hơn một tháng trước, người dân Văn Giang đối mặt với trận lụt lịch sử 30 năm mới có. Nước dâng lên làm cây cối bị ngập trong nước 3 - 4 ngày ngày khiến cây trồng gần như chết hết, nguồn cây giống cạn kiệt, chỉ còn lại 1/10 so với trước. 

Anh Lê Văn Chiến, nhà vườn ở xã Xuân Quan chăm sóc những cây hoa giống còn lại sau trận lụt lịch sử. Ảnh: Thu Chà.

Anh Lê Văn Chiến, nhà vườn ở xã Xuân Quan chăm sóc những cây hoa giống còn lại sau trận lụt lịch sử. Ảnh: Thu Chà.

Sau khi nước rút, người dân chỉ biết dọn dẹp lại vườn và đốt những cây chết. Có những nhà gần như mất trắng, sau khi bão lũ đi qua đến nay vẫn chẳng thiết tha ra ruộng dọn dẹp, trồng trọt trở lại. Điều lo lắng hơn là nguồn cung cây giống khan hiếm khiến giá tăng gấp 2 – 3 lần so với bình thường.

Anh Lê Văn Chiến, một nhà vườn trồn tại xã Xuân Quan ngán ngẩm: “Cây giống về đến làng giá toàn gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Đơn cử, cúc đại đóa hay cúc pha lê, cúc tứ quý đều tăng gấp ba lần; thược dược cũng tăng gấp ba, bốn lần. Mọi năm thược dược mua chỉ 1.200đ, bây giờ gấp 3, gấp 4, từ 3 – 4 ngàn đồng/cây con. Quất tăng giá gấp đôi, từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/cành giống".

Anh Trần Văn Anh, chủ nhà vườn tại xã Phụng Công cho biết: "Mọi năm, cây giống hồng đổi màu từ miền Nam mang ra chúng tôi mua chỉ có 17 – 18 ngàn đồng/giỏ nhưng hiện ở trong đó đã là 38.000đ/giỏ, tức đắt gấp gần 3 lần. Mua giống đã cao, về chăm sóc thêm 3 tháng mới được bán, lại thêm tiền chậu, tiền đất… thì nhà vườn làm gì còn đồng công nào nữa”.

Cũng theo anh Văn Anh, hiện giá cành giống chanh ta bình thường từ 4,5 – 5 ngàn đồng/cành chiết, giá hiện tại đã tăng lên 15 ngàn đồng/cành, tăng gấp 3 lần; hoa thược dược giống cao gấp 6 lần. 

“Dù giá cây giống tăng rất cao nhưng vẫn có những nhà vườn chấp nhận xuống giống vì để ruộng không thì phí, mà cố đầu tư trồng cho vụ Tết thì chưa biết lời lãi thế nào. Hiện tại trồng cây gì cũng không kịp, bởi chỉ còn vài tháng nữa là Tết, trồng hoa thược dược, hoa hồng thì giá giống quá cao, không đủ công thuê thợ nên đành để ruộng không còn hơn” – một nhà vườn xót xa.  

Ngoài khó khăn do cây giống tăng giá, giá nhân công lắp đặt nhà vườn, nhà giàn cũng tăng cao. Ảnh: Thu Chà.

Ngoài khó khăn do cây giống tăng giá, giá nhân công lắp đặt nhà vườn, nhà giàn cũng tăng cao. Ảnh: Thu Chà.

Ông Nguyễn Chí Hiểu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Xuân Quan cho biết, hiện không có chính sách hỗ trợ nào về giống hay cây trồng ngắn ngày cho bà con nông dân trong xã nên bà con khó khăn càng thêm khó khăn, phải chật vật xoay xở để phục hồi sản xuất. 

Trước mắt, để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, nông dân chỉ có thể lựa chọn những cây ngắn ngày để trồng. Nhà nào cũng vậy khiến các giống cây ngắn tăng vọt nhưng có nhà cũng không thể mua được cây giống để trồng. Trong quá trình phóng viên đi thực tế, có những nhà vườn với ánh mắt đượm buồn hỏi rằng xem ở đâu có bán những giống cây trồng ngắn ngày thì chỉ mối giúp.

Mất 1 – 2 năm mới hồi phục được làng nghề

Không chỉ giá cây giống tăng cao, người dân Văn Giang còn thêm nỗi lo ngày công thuê thợ cơ khí dựng lại khung giàn, nhà lưới… cũng tăng gấp 1,5 lần. Anh Trần Văn Anh, nhà vườn tại xã Phụng Công chia sẻ: “Những nhà vườn bị sập giàn khung, muốn dựng lại cũng không có thợ để thuê. Trước bão, công thợ hàn 500 ngàn đồng/ngày, bây giờ giá nhân công đội lên 750 ngàn đồng mà vẫn không có thợ để mướn. Nhà nào cũng bị sập giàn, không đủ thợ để thuê. Nhà tôi bị sập đổ 4 - 5 sào khung giàn, đặt thợ mấy ngày vẫn chưa tới lượt”.

Nông dân làng hoa, cây cảnh Văn Giang đang nỗ lực phục hồi lại làng nghề sau trận lụt lịch sử. Ảnh: Thu Chà.

Nông dân làng hoa, cây cảnh Văn Giang đang nỗ lực phục hồi lại làng nghề sau trận lụt lịch sử. Ảnh: Thu Chà.

Cây trà cổ - một trong những cây chủ lực của xã Phụng Công sau trận lụt đang ở trạng thái chết dần, chết mòn. Người dân làng hoa lý giải: “Cây trà không chết ngay mà phải vài tháng mới chết. Những cây trà to cao, không bị ngập hoàn toàn, vẫn nhô được phần ngọn lên nhưng bộ rễ ngâm nước lâu ngày nên bị úng, phải mất 2 năm mới phục hồi được rễ. Người trồng trà phải mua thuốc kích rễ, làm tất cả mọi cách để phục hồi lại bộ rễ cây.

Để phục hồi lại làng hoa, nhiều nhà vườn chấp nhận trồng lại những loại cây ngắn ngày trước, những cây lâu năm chờ dịp sau. Thậm chí có những nhà vườn xác định phải 3 – 4 năm nữa mới phủ xanh lại được vườn cây..

Bình luận