Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới, doanh nghiệp "đứt" đơn hàng, than không lãi nhiều

Bình luận · 233 Lượt xem

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 29/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn đạt mức 628 – 643 USD/tấn, neo đỉnh 15 năm, đang ở mức cao nhất. Tuy nhiên, nhiều d

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục neo đỉnh 15 năm, cao nhất thế giới

Giá gạo xuất khẩu đang trải qua những tuần giao dịch biến động mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 29/8, giá gạo xuất khẩu của ta tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn đạt mức 628 – 643 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta tiếp tục neo đỉnh 15 năm và ở mức cao nhất thế giới.

  • Xuất khẩu gạo tăng kỷ lục đạt 3,17 tỷ USD, giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới ở mức 650 USD/tấn

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, các thông tin thị trường tiếp tục phản ánh khả năng nguồn cung gạo toàn cầu thâm hụt, khiến giá gạo tăng mạnh. Chính phủ Ấn Độ đã thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực ngay lập tức hôm 25/8 và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay.

Đồng thời, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Trước đó, nước này đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati kể từ tháng 7. Ấn Độ và Pakistan là 2 thị trường xuất khẩu gạo basmati lớn nhất thế giới. Hằng năm, Ấn Độ cung cấp khoảng 4 triệu tấn tới các nước như Iran, Iraq, Mỹ, Ả Rập Saudi. Những động thái mới của Ấn Độ sẽ còn đẩy giá gạo thế giới lên cao.

Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn gạo mỗi năm. Thông tin này càng góp phần củng cố đà tăng cho giá gạo thế giới, cũng như làm sâu sắc thêm lo ngại đối với các nhà nhập khẩu gạo trong thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh tồn kho gạo toàn cầu vốn ở mức thấp, giá mặt hàng lương thực chính của khoảng 50% dân số thế giới càng trở nên nhạy cảm với các tin tức về nguồn cung. Bất cứ động thái liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu gạo, đều đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh hơn nữa.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, các 'ông lớn' ngành gạo đang toan tính điều gì? - Ảnh 1.

Trong nước, sau khi tăng mạnh ngày hôm qua, giá lúa gạo hôm nay ngày 29/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm nhẹ với mặt hàng gạo, trong khi giữ ổn định với mặt hàng lúa.

Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 29/8, lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, hôm nay đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ 50 – 100 đồng/kg sau khi tăng mạnh những ngày qua. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 giảm 50 đồng/kg xuống còn 12.300 – 12.350 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giảm 50 đồng/kg xuống còn 14.300 - 14.400 đồng/kg.

Riêng giá phụ phẩm điều chỉnh giảm 100 đồng/kg với cám khô. Theo đó, giá tấm IR 504 dao động 11.900 - 12.000 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô giảm 100 đồng/kg xuống còn 7.400- 7.450 đồng/kg.

Theo các thương lái, tại Kiên Giang, lượng gạo vừa đủ cung ứng cho các kho, giá gạo OM 18, OM 380 bình ổn. Tại An Giang, giá gạo nếp bình ổn, giá nếp Long An cũng không có biến động.

Thực tế, tại thị trường nội địa, theo các thống kê của VFA, giá lúa gạo đã được điều chỉnh tăng từ 136-313 đồng/kg trong tuần trước. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng hiện được mua cao nhất ở mức 8.050 đồng/kg, lúa thường tại kho có giá 9.750 đồng/kg. Gạo 5% tấm xuất khẩu cũng tăng lên mức 14.800 đồng/kg và gạo 25% tấm ở mức 14.400 đồng/kg.

Với giá gạo nội địa như hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu phải chào bán được chí ít với giá 670 USD/tấn mới không lỗ, nhưng với mức giá này khách hàng đang chưa chịu mua gạo của Việt Nam. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới để nghe ngóng. Bởi với giá lúa gạo tại nội địa hiện đang rất cao, nếu thu mua doanh nghiệp sẽ thua lỗ khi xuất bán cho khách.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, cũng đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng “đột biến”, như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)…

Kiến nghị ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa chính vụ

Nhiều "ông lớn" ngành gạo đang tính chuyện "đường dài" để hưởng lợi, song không phải doanh nghiệp gạo nào cũng lạc quan khi giá gạo tăng.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) cho biết, các nước cấm xuất khẩu gạo chủ yếu nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Đối với Việt Nam, những lệnh cấm này sẽ khiến chúng ta bán được nhiều gạo hơn dựa trên diện tích lúa có thể tăng, đặc biệt là vụ Thu - Đông này. 

Đà tăng của giá gạo dự kiến sẽ kéo dài hơn vì nhu cầu trên thị trường bị thiếu hụt so với nguồn cung, đặc biệt là các loại gạo cao cấp mà Việt Nam và Thái Lan đang sản xuất. Theo ông Thuận, hiện gần như chỉ có Việt Nam và Thái Lan là có nguồn cung gạo ổn định. "Khách hàng lớn luôn muốn có giá gạo ổn định và Lộc Trời đang tìm kiếm phương thức hợp tác đảm bảo giá bán ổn định trong thời gian dài"-ông Thuận nói.

"Tới thời điểm này, lượng hàng trong kho của Lộc Trời là 200.000 tấn gạo và chúng tôi đã có những hợp đồng mới để sẵn sàng xuất khẩu từ bây giờ đến giữa tháng 11/2023. Lúa hè thu và thu đông trong vùng nguyên liệu Lộc Trời gia công, hợp tác với bà con nông dân đã sẵn sàng để thu hoạch"-ông Thuận khẳng định.

Theo ông Thuận, nếu xây dựng được hình ảnh rõ ràng về lúa gạo Việt Nam, về chất lượng lúa gạo Việt cũng như sự bền vững, ổn định của việc cung cấp ra thị trường thế giới thì đây là một cơ hội hiếm có để Việt Nam đánh dấu vị trí của mình trong phân khúc cao cấp của thị trường lúa gạo thế giới.

Được biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.130,2 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó, doanh thu lương thực – lúa, gạo chiếm phần lớn với 4.220 tỷ đồng, tăng 24,5%.

Với CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), mặc dù mới chỉ đạt được hơn 1% mục tiêu lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, song Trung An vẫn xác định tăng mục tiêu xuất khẩu gạo và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như mì, phở, bún… vào thị trường Mỹ và châu Âu. Phân khúc này có giá trị cao, có thể hướng đến những thị trường có sức chi trả cao hơn.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 606 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 50,6 tỷ đồng.

Thế nhưng bên cạnh những kế hoạch dài hơi của các "ông lớn" như TAR, LTG, tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ đang phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. Đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP.HCM) cho biết, giá gạo biến động tăng như hiện nay là quá đột ngột. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng với khách nước ngoài khi giá gạo còn thấp. Tới khi đi gom hàng thì giá gạo đã tăng cao, doanh nghiệp muốn thu mua theo giá cũ là không thể, đành phải xuất lỗ.

Đại diện một doanh nghiệp lớn ở Long An cũng cho biết: Khi giá lúa tiếp tục tăng cao, nếu đẩy mạnh mua vào ở giai đoạn này, doanh nghiệp có nguy cơ lỗ cao. Công ty cũng đang đàm phán có thể kéo giãn hợp đồng đã ký với các đối tác nhập khẩu để chờ nguồn cung dồi dào. Hơn nữa, chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng chưa biết sẽ tiếp diễn đến khi nào, trong trường hợp Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm thì khả năng cao thị trường sẽ biến động lớn theo hướng giá lúa gạo sụt giảm mạnh ngay lập tức. Do đó, doanh nghiệp đang phải cân nhắc rất nhiều trong thời điểm này.

Trong báo cáo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong quý III do diễn biến địa chính trị phức tạp và xung đột trên thế giới bên cạnh lệnh cấm và tăng thuế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Bên cạnh đó, El Nino bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài khoảng 2-3 năm, có nguy cơ gây hạn hán trên một số vùng trồng lúa ở Đông Nam Á kéo theo năng suất giảm. Nguồn cung không tăng trong khi nhu cầu gạo thế giới tiếp tục tăng. 

Chưa kể, giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Do đó, KIS cho rằng biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp gạo sẽ giảm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của NHNN.

Hiện Lộc Trời đang đề xuất trong ngắn hạn, khi nhu cầu thị trường thế giới đang cao, ngân hàng cần hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp có tiềm lực xuất khẩu, có hàng sẵn trong kho, có tổ chức sản xuất để tận dụng cơ hội. Để dự kiến cung cấp ra thị trường 200.000 tấn gạo, Lộc Trời cần một lượng vốn để thu mua lúa tương đương 3.000 tỷ đồng cho giai đoạn xuất khẩu từ tháng 9 đến tháng 12/2023.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, với lãi suất thấp; ngân hàng tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp cho rằng dòng vốn ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu hiện gặp rào cản từ lãi suất cao, dẫn đến tâm lý dè chừng của doanh nghiệp khi thu mua. Theo tính toán của doanh nghiệp, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp và thương nhân cần khoảng 50.000 tỷ đồng.

Sợ không dám ký... đơn hàng mới

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng nhanh đã dẫn đến giá gạo tại thị trường nội địa cũng rục rịch tăng theo. Sáng nay, chị Trần Thị Hạnh - kế toán kiêm quản lý cửa hàng kinh doanh gạo tươi của Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu lương thực Ngọc Việt (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, những ngày qua giá gạo bán lẻ tại thị trường trong nước nhích nhẹ theo giá gạo xuất khẩu, tăng gần 5% tùy loại. 

Tại cửa hàng, giá gạo ST25 hiện duy trì mức trung bình 27.000 đồng/kg, tuy nhiên một số đơn vị khác đã tăng giá bán lên 28.000 đồng/kg, thậm chí 30.000 đồng/kg. "Công ty chúng tôi thường kí kết hợp đồng trước với nhà cung cấp nên trước mắt, giá gạo mới chỉ điều chỉnh tăng nhẹ. Tuy nhiên trước tình hình  này, rất khó có thể giữ giá từ giờ tới cuối năm bởi không ai có thể đoán chắc giá gạo cuối năm diễn biến như thế nào" - chị Hạnh nói. 

Giá gạo xuất khẩu tăng nhanh lên gần 650 USD/tấn, doanh nghiệp khó chốt đơn hàng cuối năm - Ảnh 2.

Trung bình mỗi tháng, Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu lương thực Ngọc Việt xuất khẩu khoảng 2 container gạo thơm chất lượng cao sang các thị trường Malaysia, Indonesia. Ảnh: Thiên Ngân

Trao đổi với PV, chị Hạnh cho biết thêm, mỗi tháng Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu lương thực Ngọc Việt xuất khẩu khoảng 2 container gạo ST25 sang các thị trường Malaysia, Indonesia, nhưng chủ yếu là các đơn hàng đã kí kết từ trước. Ngoài xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á, doanh nghiệp này còn cung cấp gạo Nhật cho các công ty chế biến bánh gạo.

"Bình thường vào dịp cuối năm, công ty chúng tôi xuất khẩu rất nhiều, nhưng hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu cũng rất thận trọng kí đơn hàng mới. Bản thân chúng tôi cũng chưa biết đàm phán thế nào, bởi giá lúa trong nước đang tăng theo ngày, thậm chí tăng mỗi ngày mỗi ngày từ 200 - 500 đồng/kg" - đại diện cửa hàng cho biết thêm.

  • Ấn Độ, Myanmar liên tiếp có động thái 'siết' xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam phá vỡ mọi kỷ lục trong 10 năm

Theo đó, giá lúa hôm nay 29/8 tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 từ 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg. Giá lúa Nhật dao động từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu, tương đương giá 670-680 USD/tấn.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước đã gieo cấy được 6.564,7 nghìn ha lúa, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 4.279,4 nghìn ha, giảm 1% với năng suất bình quân đạt 64,3 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Sản lượng lúa thu hoạch 27,5 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. 

Trước đó, tại cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Nam, - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cần bình tĩnh trước diễn biến tình hình xuất khẩu gạo thế giới, có đánh giá kỹ, nếu không sẽ tự gây áp lực cho chính mình. Từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo cho xuất khẩu chứ không băn khoăn gì cả. 

Qua khảo sát tiêu thụ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân bán lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 12% trên tổng sản lượng, thương lái bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là 50%, chỉ có 37% là qua hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp.

Trước diễn biến mới của thị trường lúa gạo, ông Trần Thanh Nam cho rằng cần tái cơ cấu lại cách phối hợp giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã trong xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo. Trong số 180 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, chỉ khoảng 50 doanh nghiệp có ký liên kết với hợp tác xã, một số ít tập đoàn lớn như Lộc Trời, Trung An… có ký hợp đồng bao tiêu vùng nguyên liệu, nên đảm bảo ổn định.

Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp vẫn làm ăn theo kiểu mua đứt bán đoạn, không có gạo dự trữ, không có vùng nguyên liệu, mua qua trung gian nên nguyên liệu trôi nổi, chất lượng không đồng đều...

Thống kê một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, chi phí tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang có xu hướng tăng lên vì mặt bằng lãi suất tăng cao. Cùng với đó, tổng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn của một số công ty xuất khẩu gạo như Lộc Trời, Vinaseed, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, XNK Nông sản Thực Phẩm An Giang,… trong quý II có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như Lộc Trời ghi nhận khoản này trong quý II là 6.949 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình luận