Chuyến tàu đầu tiên rời ga đưa dừa tươi xuất sang Trung Quốc

Bình luận · 32 Lượt xem

Bình Dương Chuyến tàu đầu tiên đưa 67,5 tấn dừa tươi Tiền Giang chính thức rời ga liên vận quốc tế Sóng Thần xuất sang Quảng Châu (Trung Quốc).

Ngày 25/10, tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương), Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt phối hợp cùng Công ty CP Fado Iexport tổ chức Lễ công bố chuyến tàu đầu tiên đưa dừa tươi xuất sang Trung Quốc.

Lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên đưa dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên đưa dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Tấn Đạt - Tổng Giám đốc Công ty CP Fado Iexport cho biết, công ty có vùng nguyên liệu hơn 200ha dừa tươi từ các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Để vùng nguyên liệu bền vững, công ty duy trì liên kết với bà con nông dân thông qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật canh tác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, đồng thời thu mua bao tiêu sản phẩm để yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Công ty có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong việc xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường, đặc biệt là sau khi được cơ quan chức năng của Trung Quốc cấp mã đóng gói và mã vùng trồng, cho phép xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.

Lô hàng đầu tiên lần này, công ty xuất 3 container dừa tươi có trọng lượng 67,5 tấn, trị giá hàng hóa khoảng 220.000 Nhân dân tệ. Sau 3 container đầu tiên này (20.000 trái/container), công ty sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng với 4 đối tác tiếp theo cũng từ Trung Quốc. Dự kiến lượng dừa tươi công ty có thể đáp ứng được khoảng 50 container/tháng.

Công ty CP Fado Iexport chuẩn bị đơn hàng dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Công ty CP Fado Iexport chuẩn bị đơn hàng dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Tấn Đạt - Tổng Giám đốc Công ty CP Fado Iexport cho biết thêm, lý do công ty chọn phương thức vận chuyển bằng đường sắt, vì so sánh cho thấy đây là phương thức hiệu quả hơn về chi phí và thời gian, đồng thời có tính ổn định cao. Cụ thể, về hiệu quả vận tải, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sang Trung Quốc giảm được hơn 20% so với đường bộ. Điều này rất quan trọng vì giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

“Chúng tôi nhận thấy rằng đường sắt là một phương thức vận chuyển hiệu quả cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. Sau khi xuất khẩu thành công sang thị trường này, chúng tôi lên kế hoạch tìm kiếm các đối tác để mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia khu vực Trung Á và những nước không có đường bờ biển", ông Đạt chia sẻ.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần không chỉ giúp cho Bình Dương mà cho cả các tỉnh ĐBSCL vận chuyển nông sản sang Trung Quốc thuận lợi. Ảnh: Trần Trung.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần không chỉ giúp cho Bình Dương mà cho cả các tỉnh ĐBSCL vận chuyển nông sản sang Trung Quốc thuận lợi. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn nhất vùng ĐBSCL. Những năm qua, bên cạnh việc phục vụ thị trường nội địa, nhiều mặt hàng nông sản, bao gồm trái cây, đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, phương thức xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là vận chuyển bằng đường bộ qua xe container, gây tốn kém chi phí và tăng nguy cơ rủi ro trong vận chuyển.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần không chỉ giúp cho Bình Dương mà cho cả các tỉnh ĐBSCL giải quyết được khó khăn này. Khi hàng hóa và nông sản đến ga đường sắt sẽ được kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm và hoàn tất cả thủ tục hải quan.

“Phương thức vận chuyển mới bằng tàu liên vận giúp cắt giảm đáng kể chi phí xuất hàng sang các nước, đặc biệt là Trung Quốc - đối tác nhập khẩu lớn của Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL. Việc áp dụng phương thức này không chỉ góp phần thúc đẩy xuất khẩu trái cây và các sản phẩm nông sản của khu vực mà còn mở ra một dịch vụ mới cho ngành đường sắt”, ông Phi chia sẻ.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, trong xu thế hội nhập hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và liên vận quốc tế từ các tỉnh trong cả nước đến các quốc gia trên thế giới, nhằm từng bước nâng cao sản lượng và doanh thu vận tải liên vận quốc tế.

Với 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, tạo lập một thị trường ổn định cho Việt Nam. Nhiều mặt hàng thế mạnh, như dừa, sẽ có cơ hội lớn để thâm nhập thị trường quốc tế.

Chuyến tàu đầu tiên rời ga đưa dừa tươi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Chuyến tàu đầu tiên rời ga đưa dừa tươi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000ha trồng dừa, trong đó một phần ba diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đã cấp giấy phép nhập khẩu cho nhiều loại trái cây Việt Nam, bao gồm dừa tươi.

Để kết nối giữa các vùng sản xuất lớn ở ĐBSCL và thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

“Đoàn tàu vận chuyển dừa tươi xuất khẩu từ ga Sóng Thần đến Quảng Châu, Trung Quốc, với hành trình bảy ngày, là kết quả hợp tác giữa Công ty Vận tải Thương mại Đường sắt Ratraco và Công ty CP Fado Iexport. Sự kiện này khẳng định vai trò quan trọng của ngành đường sắt trong vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế”, ông Phan Quốc Anh nhấn mạnh.

Bình luận