Doanh nghiệp chưa mặn mà sản xuất, chế biến rong biển

Bình luận · 48 Lượt xem

Đây là thông tin được ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS chia sẻ tại Hội thảo ‘Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao’ diễn ra sáng 25/10, tại Hà Nội.

Trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Thủy sản Việt Nam đặt câu hỏi vì sao phải liên kết chuỗi để phát triển rong biển?

Ông Lập cho biết, theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2023, diện tích trồng rong biển của cả nước mới đạt hơn 16.500ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay 'trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam lại là nhập khẩu'. Ảnh: Đoan Trang.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay “trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam lại là nhập khẩu". Ảnh: Đoan Trang.

Ông Lập khẳng định, rong biển là thực vật có giá trị dinh dưỡng cao và quý, bởi hàm lượng khoáng chất trong rong biển cao gấp 10 lần thực phẩm trên cạn. Rong biển chứa nhiều Vitamin B, C, E, K, axit béo omega- 3, protein, axit amin, polyphenol và khoáng chất như sắt, canxi, iốt...

Bên cạnh đó, thành phần lignans trong rong biển có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chứng bệnh ung thư, ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hàm lượng chất xơ có trong rong biển khá dồi dào, giúp lợi khuẩn trong đường ruột làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

“Hoạt chất sinh học trong rong biển đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm…”, ông Lập nhấn mạnh.

Ông Lập phân tích những cơ hội của ngành rong biển Việt Nam như: Thị trường toàn cầu đạt 16 - 20 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%/năm; xu thế sử dụng thực phẩm xanh, năng lượng xanh; tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sinh học và giảm sử dụng năng lượng hóa thạch; giảm ô nhiễm môi trường; gia nhập thị trường tín chỉ carbon…

Bên cạnh những cơ hội, ông Lập cũng chỉ rõ hàng loạt thách thức, khó khăn, đó là chất lượng rong giống chưa được tốt; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; chế biến sâu còn thiếu; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt; bị cạnh tranh bởi các ngành kinh tế khác…

Riêng với câu chuyện về giống rong biển, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP chia sẻ, sau cơn bão số 3 vừa rồi, trang trại trồng rong biển của STP Group tại Vân Đồn, Quảng Ninh bị thiệt hại khá nặng nề, trong đó nhiều giống rong biển đã bị cuốn trôi. Hiện STP đang lấy lại những giống rong đã gửi phòng thí nghiệm để tiếp tục nhân cấy, tuy nhiên phải mất đến ít nhất 1 - 2 năm nữa bởi vì hiện nay môi trường biển đang bị ô nhiễm. 

Ông Lập nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay “trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu”, bởi vì tuy có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rong biển lại có mùi tanh, trong khi đó chế biến sâu về lĩnh vực này của chúng ta còn yếu.

Chuỗi liên kết là yếu tố "kéo" và "đẩy"

Cũng theo ông Lập, rong biển Việt Nam được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi, do vậy giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cho rằng, việc xây dựng chuỗi liên kết tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển. Ảnh: Đoan Trang. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cho rằng, việc xây dựng chuỗi liên kết tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển. Ảnh: Đoan Trang

Rong biển từ các hộ dân hiện chủ yếu được bán thông qua thương lái (chiếm trên 90%). Rong biển bán trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn được thu mua bởi Công ty TNHH Long Hải, Công ty TNHH JapiFoods, Công ty TNHH Trí Tín, Yến Sào Khánh Hòa…

Bên cạnh đó, chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc sản xuất, chế biến rong biển, đặc biệt là sản phẩm chiết xuất.

Đồng thời, rong nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhập, rong trong nước còn ít và giá cao hơn sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, các sản phẩm rong đã qua chế biến chủ yếu là dòng snack, dòng cơm cuộn… được các công ty thương mại nhập và phân phối tại Việt Nam.

Một số sản phẩm từ rong biển của Công ty TNHH Japi Foods. Ảnh: Đoan Trang.

Một số sản phẩm từ rong biển của Công ty TNHH Japi Foods. Ảnh: Đoan Trang.

Hơn nữa, rong trồng tại Việt Nam sản lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, giá bán chưa được cao, một phần là do chất lượng chưa ổn định. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam còn chưa biết hết giá trị của rong, chưa nhiều người thích dùng rong biển hay chịu được mùi tanh của rong.

Để phát triển ngành rong biển trong thời gian tới, ông Lập cho rằng, việc khép kín liên kết chuỗi từ “Cây giống - vùng trồng - sản xuất - thương mại - hệ thống tiêu thụ” là cần thiết.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong; ứng dụng công nghệ cao - công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong biển.

Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm. Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rong.

Phát triển sản phẩm giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường - yếu tố “kéo”. Liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng trồng của người dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ, lợi ích và giá trị, từ đó người dân mới sẵn lòng trồng và phát triển rong - yếu tố “đẩy”.

Rong trồng tại Việt Nam sản lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, giá bán chưa được cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Rong trồng tại Việt Nam sản lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, giá bán chưa được cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cho rằng, cần xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho rong biển, vì nhiều lý do, như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc đến thành phẩm; tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và an toàn; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho ngư dân; chuyển giao công nghệ và kiến thức; giảm thiểu tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học biển; tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững...

“Việc sử dụng sản phẩm từ rong biển là một lựa chọn thân thiện với môi trường, giúp người tiêu dùng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Giám đốc Japi Foods nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết, sau cơn bão số 3 vừa qua, thời điểm này nuôi biển nói chung và trồng rong biển nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do môi trường biển bị ô nhiễm. Việc trồng rong sẽ giúp làm sạch lại môi trường biển, tuy nhiên để làm được điều này, chúng tôi cần có sự hỗ trợ vốn đầu tư từ các bên liên quan. Trong thời gian tới, cần phát triển trồng rong biển theo quy mô công nghiệp, kéo tất cả hộ dân cùng tham gia, cùng làm để nâng cao giá trị.

Bình luận