Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Bình luận · 40 Lượt xem

Nhằm tạo nền tảng cho ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh và hoàn tất chương trình tiêm chủng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm.

Đắk Nông hiện có 262 trang trại chăn nuôi heo, tổng đàn đạt hơn 530.000 con,  tăng hơn 79.000 con so với năm 2023; đàn bò ước đạt 27.500 con; đàn gia cầm khoảng 3,2 triệu con. Tỉnh có hàng trăm trang trại chăn nuôi heo, gà, với quy mô từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn con.

Với đàn vật nuôi tăng mạnh như vậy, đảm bảo an toàn dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển an toàn, hiệu quả.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 6/8 huyện, có 16 hộ dân có đàn heo mắc dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy 420 con với hơn 8.700kg. Trên trâu bò, đầu tháng 8/2024, bệnh viêm da nổi cục cũng xuất hiện tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, với 31 con trâu, bò mắc bệnh. Đây là ổ dịch khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm vacxin thấp, nhiều hộ dân không chú trọng việc tiêm phòng bệnh dịch cho trâu, bò, nên lây lan trong quá trình chăn thả.

Đắk Nông hiện có 262 trang trại chăn nuôi heo, tổng đàn hơn 530.000 con. Ảnh: Hồng Thủy.

Đắk Nông hiện có 262 trang trại chăn nuôi heo, tổng đàn hơn 530.000 con. Ảnh: Hồng Thủy.

Bà Phan Thị Khương, Phó phòng NN- PTNT huyện Tuy Đức cho biết, ngành nông nghiệp, chính quyền huyện Tuy Đức với sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT, đã huy động nhiều lực lượng để nhanh chóng khống chế, dập các ổ dịch này. Cùng với các biện pháp dập dịch, tăng cường chữa trị, ngành chức năng, địa phương đã tiến hành tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn xã Đắk Ngo. Ngoài ra, huyện Tuy Đức tiếp tục thực hiện các đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm tạo môi trường chăn nuôi an toàn hơn. Song song với việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tiêm vacxin cho vật nuôi.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, trước Đắk Ngo, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp. Đây là một bệnh nguy hiểm, dễ bùng phát thành dịch, gây hại lớn đối với trâu bò. Vì thế, Sở NN-PTNT đã kịp thời có những giải pháp dập dịch thành công.

“Để tiếp tục kiểm soát, khống chế kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để, xử lý dứt điểm các ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, không để lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Lực lượng chuyên môn các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh làm lây lan dịch theo hướng dẫn của Chi cục Phát triển nông nghiệp”, ông Đông nói.

Cuối tháng 8/2024 vừa qua, lực lượng thú y cơ sở tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn tất việc tiêm vacxin cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Cuối tháng 8/2024 vừa qua, lực lượng thú y cơ sở tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn tất việc tiêm vacxin cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Cũng theo ông Đông, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, Sở NN-PTNT tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức, triển khai công tác tiêm vacxin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Trong đó, với bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; lở mồm long móng với heo, các huyện phải tiêm vacxin phòng ngừa đạt từ 95% tổng đàn trở lên. Các địa phương không để xảy ra tình trạng trâu bỏ mắc bệnh do không được tiêm phòng.

Tính đến hết tháng 8/2024, lực lượng thú y cơ sở tỉnh Đắk Nông đã tiêm được trên 36.500 liều vacxin dại cho chó, mèo; gần 19.500 liều vacxin lở mồm long móng và hơn 19.200 liều vacxin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, tiêm bổ sung cho vật nuôi nhằm tăng khả năng phòng bệnh nguy hiểm. Chi cục Phát triển nông nghiệp đã cấp phát 3.600 lít hóa chất cho các huyện, thành phố để triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024.

Bình luận