‘Mua kháng sinh ở Việt Nam dễ như mua bim bim’

Bình luận · 27 Lượt xem

Vấn đề đáng báo động của Việt Nam là sử dụng tùy tiện và lạm dụng kháng sinh.

Chia sẻ tại Hội thảo “Dinh dưỡng và công nghệ thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh mới: Xu hướng và đổi mới” diễn ra tại TP. HCM, ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch HĐQTTổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Invet cho hay, Việt Nam nằm trong top 5 của thế giới về kháng kháng sinh.

Chi phí điều trị kháng sinh cho bệnh nhiễm khuẩn tại các bệnh viện tại Việt Nam tăng 6 lần trong hơn 10 năm (2010 - 2022). Thời gian điều trị bệnh tăng 1,5 - 2,5 lần trong 5 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Invet cho rằng: 'Mua kháng sinh ở Việt Nam còn dễ hơn mua bim bim, nước suối'. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Invet cho rằng: "Mua kháng sinh ở Việt Nam còn dễ hơn mua bim bim, nước suối". Ảnh: Hồng Thắm.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, ước tính năm 2023, Việt Nam đã chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm kháng sinh cho người, giá trị nhập khẩu kháng sinh của Việt Nam tăng 15%/năm. Đây là một con số khổng lồ.

Trong chăn nuôi, vẫn xảy ra tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng cách, một số kháng sinh chỉ dùng cho người đã được sử dụng cho gia súc, gia cầm. Phòng bệnh bằng kháng sinh phổ biến quá mức ở các trang trại, trong thức ăn chăn nuôi.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do khí hậu nóng ẩm, thời tiết thay đổi nên dễ phát sinh dịch bệnh. Đường biên giới dài, vì vậy việc kiểm soát an ninh sinh học khó khăn. Mật độ chăn nuôi cao. Chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ nhiều, hiện hơn 10 triệu hộ chăn nuôi, dẫn đến điều kiện an toàn sinh học không đảm bảo.

Nguyên nhân chủ quan là do vấn đề kiểm soát an ninh sinh học chưa đảm bảo đối với nguồn động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu. Chưa chú ý tới nâng cao sức đề kháng của cơ thể, lạm dụng kháng sinh trong phòng bệnh. Kiểm soát trong chuỗi chăn nuôi chưa tốt. Chế tài xử lý còn yếu, tính tuân thủ và thực thi pháp luật chưa cao...

“Mỗi một nông hộ, mỗi một người hành nghề thú y, mỗi một cơ sở, đại lý, nhà phân phối thuốc thú y đều có thể trở thành nhà máy sản xuất thuốc thú y, bởi vì họ có thể mix (trộn) tất cả loại kháng sinh nếu họ muốn. Có thể nói, mua kháng sinh ở Việt Nam còn dễ hơn mua bim bim, nước suối”, ông Năm nói.

Ông Năm chỉ ra hàng loạt hậu quả của kháng kháng sinh trong chăn nuôi. Đó là lợi nhuận không ổn định, chi phí đầu vào cao, tính cạnh tranh thấp, mất an toàn thực phẩm, tổn hại đến sức khỏe, tầm vóc người Việt, sinh kế người dân không ổn định và ô nhiễm môi trường…

Ông Năm cho biết, Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội 14 thông qua ngày 19/11/2018. Hạn cuối cùng đến ngày 31/12/2025 là được phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh để phòng bệnh. Đây là một thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi.

“Vật nuôi của chúng ta hệ miễn dịch rất yếu, nếu cắt bỏ kháng sinh trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc non thì ngay lập tức chúng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, bị tiêu chảy, như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chăn nuôi”, ông Năm phân tích.

“Làm sao để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi?”, ông Năm nêu câu hỏi.

Trả lời cho vấn đề này, ông Năm đưa ra 5 giải pháp để thay thế kháng sinh. Một là an toàn sinh học. Hai là probiotics. Ba là axit hữu cơ. Bốn là công nghệ biến đổi gen.

Với công nghệ gen, ông Năm cho hay, công nghệ này đã được ứng dụng thành công ở thực vật, tuy nhiên trên người và vật nuôi rất khó vì liên quan đến vấn đề biến đổi gen. Lý thuyết là làm được nhưng trên thực tiễn giải pháp này chưa khả thi, còn cần thêm thời gian.

Giải pháp thứ 5 để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi được ông Năm nhấn mạnh đó là sử dụng dược liệu. Ông Năm cho rằng, đây là câu chuyện không mới, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà máy, viện, trường của nước ta đã nghiên cứu vấn đề này.

Dược liệu có thể thay thế kháng sinh trong phòng bệnh đường tiêu hóa, hô hấp; nâng cao hệ miễn dịch, tăng đề kháng tự nhiên cho vật nuôi; giúp tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Hồng Thắm.

Dược liệu có thể thay thế kháng sinh trong phòng bệnh đường tiêu hóa, hô hấp; nâng cao hệ miễn dịch, tăng đề kháng tự nhiên cho vật nuôi; giúp tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Hồng Thắm.

Thông thường trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, cách tiếp cận trước đây sẽ là các kết quả nghiên cứu về thuốc, thực phẩm chức năng đã được thử nghiệm thành công trên động vật sẽ được chuyển sang thử nghiệm và áp dụng cho người.

Tuy nhiên, ông Năm chia sẻ, Invet đang đi theo cách tiếp cận mới, đó là hợp tác với một công ty đã có 500 năm tuổi đời về sản xuất dược liệu trên con người, từ đó triển khai thử nghiệm trên gà, lợn, bò sữa và thủy sản. Điều này nghĩa là Invet đang đi ngược lại, sử dụng những bài thuốc đã thành công, hiệu quả trên người áp dụng cho vật nuôi, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian nghiên cứu...

Kết quả thử nghiệm đã chứng minh, dược liệu có thể thay thế kháng sinh trong phòng bệnh đường tiêu hóa, hô hấp; nâng cao hệ miễn dịch, tăng đề kháng tự nhiên cho vật nuôi; giúp tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi mới thành công ở quy mô thử nghiệm, vì vậy rất mong muốn được hợp tác cùng các nhà khoa học, đối tác để nghiên cứu sâu hơn nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu dược liệu, nhằm thay thế kháng sinh đúng nghĩa, cả về chất lượng lẫn giá thành”, ông Năm chia sẻ thêm.

Bình luận