Nghiệp làm nông của hai cô giáo

Bình luận · 183 Lượt xem

Một già, một trẻ nhưng hai cô giáo ấy cùng chung niềm đam mê nghề nông. Trang trại của họ trở thành những mô hình tiên phong ở trong vùng.

Cô giáo nuôi cá

Vợ chồng Lại Văn Tâm và Tăng Thị Phương Huyền anh làm cán bộ ở huyện bên còn chị làm giáo viên ở quê nhưng họ đến với cái nghiệp chăn nuôi như một lẽ tự nhiên. Chị cười bảo, nuôi cá là nghề của bố chồng rồi đến đời chồng tôi tiếp nối. Đây là khu đất bờ máng của HTX Tân Dân (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) có tổng diện tích hơn 10 mẫu, (mỗi mẫu 3.600m2) được bố chồng tôi đấu thầu với giá 15 kg thóc/sào (mỗi sào tương 360m2).

 

Lúc trước, bố chồng tôi nuôi cá, mỗi năm kéo 1 lần, sang đời chúng tôi nuôi cá, nhờ cải tạo, đắp bờ bao, áp dụng khoa học kỹ thuật nên mỗi năm kéo 2 lần. Sáng, trước khi đi làm, chồng tôi đã ra ao thăm cá, kiểm tra tình hình, chiều về lại ra, còn tối thì ngủ lại tại lều luôn. Những buổi “trở giời”, thay đổi thời tiết đột ngột như hôm nay, trên bờ người còn cảm thấy khó chịu thì dưới nước cá cũng như thế, trước khi cho ăn phải bật quạt nước để chúng đỡ mệt, ăn tốt hơn. Cá mà ít vào ăn, lượng cám tồn dư nhiều, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm nước. Trung bình mỗi tháng sẽ có một hai ngày “trở giời” như thế. Còn thời điểm thời tiết đẹp, chỉ bật máy cho ăn chứ không cần bật quạt nước tạo ô xi. 

 

Vợ chồng chị Huyền có được cơ ngơi như ngày hôm nay một phần nhờ vào sự chăm chỉ, tìm tòi sáng tạo, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của hệ thống khuyến nông. Số là, năm 2022 qua đài báo họ biết được về quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội, lại được xã giới thiệu lên Trạm Khuyến nông huyện để hỏi cách vay vốn, lập phương án sản xuất, vay được 450 triệu với thủ tục giải quyết khá nhanh gọn, đúng quy trình. Trước đây do thiếu vốn nên họ chỉ nuôi mỗi cá thịt, từ khi vay được quỹ họ đã đầu tư mở thêm mảng nuôi cá giống.

 

Trong tổng cộng 4 cái ao thì họ bố trí 2 ao cá thịt, 2 ao cá giống và từ đó họ không phải mua cá giống nữa mà tự gây từ kích cỡ chỉ nhỏ 25 con/kg lên cỡ 1 - 1,5 kg/con, đây cũng là thời điểm bán cá thịt để chuyển cá giống vào thế chỗ. Nếu không chủ động được giống, nhiều thời điểm sốt giá phải mua đắt. Nuôi giống tại chỗ cũng giảm thiểu thời gian vận chuyển nên cá khỏe hơn, tỷ lệ nuôi đậu đến 80-90% so với trước đây chỉ đậu khoảng 70% và không phải mất công chi phí, vận chuyển khi chỉ kéo cá từ ao nhỏ san sang ao to.

 

Có vốn họ cũng không phải nợ tiền thức ăn chăn nuôi của đại lý như xưa nữa. Nợ như vậy sau 6 tháng sẽ phải trả lãi khoảng 10.000 đồng/bao, còn mua trực tiếp của công ty thì không phải chịu lãi, mà cứ lấy mỗi đợt 25 tấn thức ăn tháng này thì lại trả tiền đợt mua 25 tấn thức ăn của tháng trước.

 

Họ chọn nuôi những giống truyền thống như cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi, cá quả, mua từ viện nghiên cứu hoặc một số cơ sở cung cấp uy tín. Còn kỹ thuật thì ngoài được Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên tập huấn hay đọc thêm trong sách vở, xem trên báo, mạng thì vẫn phải kết hợp với kinh nghiệm của bố chồng, rồi tự mày mò thử nghiệm, thấy cách nào cho kết quả tốt thì áp dụng. Ví dụ như họ chữa tiêu chảy bằng tỏi xay trộn với men vi sinh cùng thức ăn, còn chữa trùng dây leo bằng lá xoan vò xay nát trộn với cám, bên cạnh đó còn dùng thêm men vi sinh để xử lý nước.

 

Hỏi chuyện tiêu thụ, chị Huyền xởi lởi kể mấy năm trước nhiều người đổ xô vào làm ao khiến giá cá thịt rơi xuống rất thấp, chỉ xung quanh 41.000 - 42.000 đồng/kg với biểu 3 - 3,5kg/con, 48.000 đồng/kg với biểu 3,8 - 4,5 kg/con. Từ đầu năm nay, nhiều nhà bỏ ao, cung ít, cầu nhiều, giá cá lên khá nhanh, 53.000 đồng/kg với biểu từ 3 - 3,5 kg/con, 55.000 đồng/kg với biểu 3,8 - 4,5 kg/con, còn lớn hơn nữa thì đạt 57.000 - 58.000 đồng/kg. Nhờ đó, tuy giá cám tăng so với cách đây 2 năm lên khoảng 100-150.00đ/bao nhưng sau khi trừ mọi khoản đầu tư, mỗi kg cá họ đang lãi được khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ được 8.000 - 10.000 đồng/kg đã là may mắn lắm. Lứa cá vừa rồi vợ chồng chị thu được 16 tấn, bán lãi được khoảng 300 triệu; lứa cuối năm dự kiến sẽ được 20 tấn nữa, lãi thêm khoảng 200 - 300 triệu trong khi những năm trước chỉ thu lãi được 150 - 200 triệu.

 

 

Cô giáo nuôi lợn

Cô giáo thứ hai là Chu Thị Kim Hoa ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, người đã về hưu được mấy năm nay. Tình cờ làm sao đây lại chính là người đã dạy cho anh Lương Hồng Quân, cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội hồi xưa nên họ gặp gỡ nhau, trò chuyện một cách rất thân tình. Bà kể, ngay từ khi còn ở trên bục giảng của nhà trường mình đã có niềm đam mê với nông nghiệp.

 

Năm 2003 bà bắt đầu thuê mảnh đất công rộng 2ha ở xã để lập ra trang trại lợn quy mô nhất nhì vùng, cao điểm có lúc nuôi tới 250 con lợn nái, 1.700 con lợn thương phẩm, thu lãi mỗi năm cả tỉ đồng. Mọi sự sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bất ngờ bùng phát trong khắp cả nước. Để bảo vệ đàn lợn trong trang trại bà thực hiện nghiêm ngặt chế độ chăm sóc như dùng thức ăn sạch, bổ sung chất điện giải cùng các loại men tiêu hóa.

 

Giá lợn hơi đang từ 38.000 đồng/kg lúc đó rơi xuống chỉ còn 27.000 đồng/kg mà vẫn còn khó bán. Tính ra mỗi ngày trang trại mất khoảng 22 triệu đồng tiền thức ăn bà vẫn cố gắng cầm cự. Tuy nhiên đến khi trang trại của hàng xóm dính dịch, dù trang trại của mình chưa dính nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn vẫn buộc phải tiêu hủy hết thì bà thực sự suy sụp tinh thần. Nhìn lũ lợn đang béo đỏ hồng hào, khỏe mạnh mà bị người ta đẩy xuống hố, rắc vôi rồi ủi đất lên trên bà không dằn được lòng, khóc mếu cố nằn nì xin giữ lại 100 con nhưng không được.

 

 

Cú sốc lớn nhất trong đời ấy khiến cho hàng chục tỉ đồng của bà bị tiêu tan chỉ trong chốc lát. Dù sau này bà được nhà nước hỗ trợ 2,7 tỉ nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu bởi số đó trả nợ ngân hàng còn không đủ, phải bán cả nhà để trả nợ tiếp, xót như có muối ở trong lòng. Cụt vốn, bà đành phải để trống chuồng đến một năm rưỡi nhưng vẫn thường xuyên ra vào trang trại như một thói quen khó bỏ. Cho đến khi bà nghe nói và tiếp cận với quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội và vay được 300 triệu để rồi thêm thắt vào nuôi 50 con lợn nái và 120 con lợn thịt. Lần này, để phòng chống dịch bà quyết định nuôi theo kiểu an toàn sinh học với thức ăn tự chế gồm cám ngô, cám gạo, đậu tương, bột cá ủ men vi sinh cho “chín” rồi mới cho lợn ăn.

 

Nhờ đó mà đàn lợn phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, đẻ khỏe và nuôi con khéo. Tính ra, tổng giá trị của đàn lợn trong chuồng và đàn cá dưới ao của bà hiện trị giá khoảng cỡ 2 tỉ đồng, tuy chẳng bằng trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra nhưng dù sao cũng là một tín hiệu tốt. Bà tâm sự: “Xưa lợn nằm san sát trong chuồng nhìn thích mắt lắm, rồi các công ty cám, thuốc mời đi du lịch khắp nơi, vui lắm. Giờ lợn chỉ còn ít, buồn, không mấy hứng thú nhưng vẫn phải làm vì nghề chăn nuôi đã ngấm vào trong máu của tôi mất rồi”.

 

Huyện Phú Xuyên có khoảng 100 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011 của Bộ NN-PTNT. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại này đạt vài trăm tỉ đồng/năm trong đó có nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật mới được nông dân mạnh dạn áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như trồng măng tây xanh, rau cao cấp, dưa chuột, bí xanh, thủy sản...cho thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.    

 

 

Nguyễn Thị Thắm

 

 

Bình luận