Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế như hoạt động của HTX chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, sự liên kết, hợp tác giữa HTX với các thành viên, giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế. Các HTX hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô nhỏ, số hộ tham gia ít, sản lượng cung cấp còn hạn chế và không đều. Việc nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm an toàn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người sản xuất và đơn vị thu mua, bao tiêu, do vậy khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động. Phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; thiếu đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản; cơ sở vật chất còn khó khăn như dây truyền sản xuất lạc hậu, thiếu đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò của HTX tham gia trong trong phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành và khu vực kinh tế tập thể. Trong đó cần cụ thể hóa và triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến đổi mới và phát triển khu vực kinh tế tập thể và HTX, như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13.11.2020 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12.3.2021 của Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030…
Tỉnh cần có quy định rõ ràng hơn và chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tham gia liên kết với HTX hoặc trở thành thành viên của HTX. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ HTX, hộ nông dân áp dụng thực hành quy trình kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến thương mại; chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, ứng dụng thương mại điện tử… Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ HTX liên kết xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi giá trị. Gắn phát triển khu vực kinh tế tập thể với kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển các HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp (Liên minh Hợp tác xã tỉnh)