Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài cuối): Nơi kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Bình luận · 32 Lượt xem

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang hướng tới phát triển toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Cùng với ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, cơ ch??

Nhiều “phiên” giao dịch được tổ chức hiệu quả

Tổ chức từ ngày 21/7 đến 3/8 tại TP Sầm Sơn, Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 quy tụ hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp (DN), HTX, chủ thể sản xuất trong tỉnh tham gia. Cùng với tạo cơ hội cho người dân, du khách có cơ hội tiếp cận những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt; đây còn là cơ hội để các chủ thể sản xuất gặp gỡ, kết nối với các nhà phân phối nhằm thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ.

Cơ sở sản xuất bánh rau má Văn Trường (TP Sầm Sơn) là một trong những đơn vị tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ được tổ chức thời gian gần đây. Chủ cơ sở Trương Duy Văn cho biết: “Từ sản phẩm truyền thống ban đầu là bánh dẻo rau má, đến nay cơ sở chúng tôi đã bổ sung, đa dạng và đổi mới công thức để đưa ra thị trường nhiều loại bánh với các hương vị khác nhau như bánh rau má ngó sen, bánh rau má khoai môn, bánh đậu xanh rau má... Tại Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 tổ chức tại TP Sầm Sơn, nhiều khách du lịch lần đầu biết đến các sản phẩm của chúng tôi. Sau khi thưởng thức và tìm hiểu về sản phẩm, nhiều khách hàng đã mua làm quà tặng người thân. Chúng tôi còn kết nối thêm được một số đại lý tiêu thụ ở tỉnh, thành khác trên cả nước”.

Được biết, trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động đẩy mạnh kết nối giao thương các sản phẩm; trong đó có nhiều sản phẩm chủ đạo của ngành nông nghiệp, điển hình như: Hội nghị kết nối DN sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024; Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 với chủ đề “Đậm bản sắc - Bừng tinh hoa”; các phiên chợ thực phẩm an toàn tại các huyện: Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Nga Sơn...

Các ngành chức năng trong tỉnh cũng vận động, tổ chức cho các DN tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô liên kết vùng miền, như: Hội thảo liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng do Bộ Công Thương tổ chức; hỗ trợ cho các DN, HTX tham gia 10 hội chợ tại các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Ninh; Hội chợ Công thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên năm 2024...

Thanh Hóa có tổng diện tích gieo trồng hàng năm hơn 395.000ha, trong đó diện tích các loại cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đạt hơn 80.000ha. Toàn tỉnh có 1.478 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt; trong đó có 1.167 số chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm; 269 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn; 7 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng với diện tích 18.200ha/4.670 hộ và 24 chuỗi liên kết trong lĩnh vực thủy sản.

Riêng với sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh và các sở, ngành cũng đưa các sản phẩm OCOP Thanh Hóa xuất hiện tại nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ địa phương và một số tỉnh, thành phố như: gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại ngày hội kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu sản phẩm OCOP Thái Nguyên; gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội báo toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; sản phẩm OCOP xứ Thanh xuất hiện tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân; gian hàng tiêu chuẩn tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 2 tại tỉnh Kiên Giang...

Theo lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, Thanh Hóa còn hàng trăm sản phẩm có thế mạnh như dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, chiếu cói; các sản phẩm dược liệu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến... Nhiều DN, HTX, hộ cá thể cũng đã quan tâm xây dựng thương hiệu, trang bị đủ các yêu cầu về thủ tục hồ sơ, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc tổ chức các chương trình kết nối sẽ thúc đẩy các hoạt động gặp gỡ, chuyển giao công nghệ sản xuất cũng như tìm kiếm thêm nhiều cơ hội kết nối, tiêu thụ hàng hóa.

Kỳ vọng vào hội nghị kết nối cung cầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh thường niên tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, với mục tiêu chính là thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh, hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Thanh Hóa, những thành tựu về phát triển nông nghiệp của tỉnh với các tỉnh bạn. Công tác kết nối cung - cầu đã góp phần không nhỏ vào phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài cuối): Nơi kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sảnSản phẩm dưa vàng Kim Hoàng Hậu là đã trở thành “thương hiệu” của nông sản tỉnh Thanh, được giới thiệu, quảng bá tại nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại.

Năm 2024 Hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa năm 2024 được tổ chức từ ngày 24 đến 28/10, với sự tham gia 230 huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, hiệp hội; các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Được biết, đây là hội nghị kết nối cung cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài các hoạt động chính như: lễ khai trương, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa; Hội thảo “Vai trò của Hiệp hội DN tỉnh trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa”, chương trình còn có các sự kiện phục vụ Nhân dân tham quan mua sắm; livestream hướng dẫn đăng ký, quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều DN, HTX, hộ sản xuất đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng, nhân lực và hy vọng tìm kiếm, hợp tác thành công các chuỗi kết nối mới.

Chị Đỗ Thị Hà - chủ cơ sở chè sạch Chính Hà ở xã Hoằng Giang, Hoằng Hóa, cho biết: “Chúng tôi hiện đã mở rộng sản xuất 15 sản phẩm chè các loại, trong đó chè ướp hoa sen đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Sau mỗi lần tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản phẩm chè sạch Chính Hà có thêm cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều sản phẩm, mẫu mã đẹp để giới thiệu tới khách hàng, tăng kết nối... trong hội nghị kết nối cung cầu lần này".

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với mục tiêu kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm trong và ngoài tỉnh; hội nghị còn là cơ hội hình thành liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, tạo ra nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Tùng Lâm

Bình luận