Thị trường Halal: Dư địa tỷ đô cho nông nghiệp Việt Nam khai phá

Bình luận · 38 Lượt xem

Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến quân vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Khẳng định tiềm năng và lợi thế từ khối thị trường này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Để tiếp tục mở rộng xuất khẩu nông sản, thủy sản, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông...; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal, để nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu - một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.

 

Ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như: gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, rau quả… cùng các sản phẩm đồ uống. Việt Nam lại nằm trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á vốn tập trung đông dân số theo đạo Hồi như Indonesia, Malaysia, khu vực Trung Đông…

Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.

Theo ông Trương Xuân Trung, quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.

 

Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Thứ trưởng Bộ NN&PTN Phùng Đức Tiến cho biết, để đưa sản phẩm nông sản; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào thị trường Halal, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế… để tiếp cận và từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, sớm đưa sản phẩm chăn nuôi, điển hình là thịt gà Việt Nam đi vào thị trường Halal.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể cho từng công việc, nội dung để các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT kịp thời hỗ trợ để toàn bộ quy trình sản xuất từ: con giống, chuồng trại, thức ăn, giết mổ… kiện toàn theo đúng tiêu chuẩn Halal.

Bình luận