Học gì từ nông nghiệp hữu cơ của Đan Mạch?

Bình luận · 37 Lượt xem

Theo các chuyên gia, chìa khóa của nông nghiệp hữu cơ chính là thiết lập tiêu chí rõ ràng, có cơ chế và quy trình giám sát minh bạch, nâng cao nhận thức của nông dân và người tiêu dùng.

Sáng ngày 22-10, Ngày Bắc Âu- Tiến tới mục tiêu xanh nằm trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2024 đã diễn ra tại TP.HCM.

Sự kiện do đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam - Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển tổ chức và Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu hỗ trợ.

Tại đây các diễn giả đã chia sẻ nhiều chủ đề về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, là chủ đề về thực phẩm bền vững và những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.

Nông nghiệp hữu cơ
Các sản phẩm tái chế trưng bày tại sự kiện. ẢNH: THU HÀ

Nông nghiệp xanh rất quan trọng

 

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, sản xuất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế xanh, bền vững hiện nay, bởi chúng giúp làm giảm lượng khí phát thải ra môi trường. Chưa kể quá trình chuyển đổi xanh là một cơ hội kinh doanh tốt.

Lấy ví dụ tại Đan Mạch, ông Nicolai Prytz nói: Đan Mạch vốn luôn được đánh giá là quốc gia có tăng trưởng kinh tế không cần đi đôi với tăng tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải.

“Nói riêng về nông nghiệp, từ năm 1987 Đan Mạch đã có luật hữu cơ, và cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật riêng cho sản xuất hữu cơ.

Các tiêu chí về hữu cơ được áp dụng xuyên suốt chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn, chỉ khi đáp ứng được hết các tiêu chí thì người sản xuất mới được cấp nhãn dán chứng nhận là sản phẩm hữu cơ”- ông Nicolai Prytz nói và cho biết thêm, việc cấp nhãn hữu cơ cũng được kiểm soát chặt chẽ ở từng địa phương.

Theo đó các nhà sản xuất thực phẩm sẽ được cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất ở toàn bộ chuỗi cung ứng, để đảm bảo chắc chắn thực phẩm tới tay người tiêu dùng là an toàn.

“Năm 2009, chúng tôi còn tiếp tục “cải tiến quy định”, ngoài việc gắn nhãn sản phẩm tại các siêu thị, chúng tôi còn tạo ra một nhãn dành cho nhà bếp công cộng. Điều này giúp người tiêu dùng biết được liệu thực phẩm tại nhà hàng, trường học có phải là hữu cơ hay không. Chúng tôi có các mức nhãn như vàng, bạc và đồng. Nhãn vàng đảm bảo 90-100% là hữu cơ, nhãn bạc từ 60-90%, và còn lại là nhãn đồng.

Có một điều khá thú vị, giá thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ ở đất nước chúng tôi không có sự chênh lệch nhiều, đôi khi là bằng nhau, vì chúng tôi đã đạt đến quy mô sản xuất lớn. Ngay cả khi bạn đến các chuỗi siêu thị bình dân, cũng dễ dàng bắt gặp thực phẩm hữu cơ.

Như vậy, ở Đan Mạch nếu bạn thấy nhãn chứng nhận hữu cơ thì đó thực sự là hữu cơ, bởi chúng đã trải qua rất nhiều quy định và các đợt kiểm tra. Nhưng cũng chính sự khắt khe này cũng thúc đẩy cho sản xuất thực phẩm hữu cơ trở nên bền vững tại Đan Mạch.

Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những câu chuyện này đến Việt Nam. Dù mỗi nước một cách làm khác nhau nhưng kỳ vọng sẽ là kinh nghiệm góp phần phát triển hơn nữa hệ thống thực phẩm an toàn tại Việt Nam-nơi có thế mạnh về nông nghiệp"- Nicolai Pryt.

Thực tế, hiện nay chính phủ nước này cũng đang triển khai nhiều chương trình hợp tác nông nghiệp, thực phẩm với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững.

Theo đó, các chuyên gia Đan Mạch sẽ hợp tác với cơ quan, chuyên gia Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức mô hình hay trong canh tác nông nghiệp bền vững. Đồng thời nâng cao tiêu chuẩn về hệ thống nhãn hiệu hữu cơ, và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường thực phẩm hữu cơ.

 

Chìa khóa của nông nghiệp hữu cơ chính là thiết lập tiêu chí rõ ràng, có cơ chế và quy trình giám sát minh bạch. Từ đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với sản xuất hữu cơ.

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ quán Đan Mạch

Nhà khoa học cần lắng nghe nông dân

Cũng với chủ đề thực phẩm xanh và nông nghiệp hữu cơ, Tiến sĩ Teija Kirkkala, Giám đốc điều hành tại Viện Pyhäjärvi cho rằng, thực hành nông nghiệp mỗi nước mỗi khác, sẽ không có lời khuyên nông dân Việt Nam nên làm gì, nông nghiệp Việt Nam cần làm gì, chỉ có những câu chuyện chia sẻ, để học hỏi lẫn nhau.

Dù vậy, sản xuất xanh đều cần đi theo nguyên tắc bền vững, lâu dài. Trong đó việc truyền thông cho người tiêu dùng, nông dân, nhà sản xuất về lợi ích của kinh tế xanh là cần nhưng chưa đủ.

“Tôi cho rằng, chúng ta là nhà khoa học, nhưng cũng cần lắng nghe và liên tục đối thoại với người nông dân để biết họ muốn gì, họ có kinh nghiệm thực tiễn nào. Từ đó tìm tiếng nói chung tiến tới canh tác bền vững”- TS Teija Kirkkala.

Ở góc độ nhà sản xuất, bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng giám đốc, Yara Việt Nam, thừa nhận: Nâng cao nhận thức về canh tác, sản xuất bền vững cho nông dân, nhất là việc kết hợp giữa phân bón vô cơ và hữu cơ khi canh tác là vô cùng quan trọng.

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Bà Trần Ngọc Thanh Trúc phát biểu tại hội thảo. ẢNH: THU HÀ

"Hiện nay quan điểm ăn uống của người tiêu dùng đã khác. Họ ăn ngon thôi chưa đủ, họ cần ăn sạch, lành mạnh. Điều này tác động lớn tới các phương thức canh tác hiện nay, đòi hỏi người nông dân, nhà sản xuất phải cùng nhau gắn kết để tạo nên sự thay đổi cho nền nông nghiệp Việt Nam"- bà Trúc nói

Cũng theo vị này, mỗi năm Yara kết hợp với các đối tác để phổ cập kiến thức cho hơn 100.000 nông dân trong việc nâng cao tiêu chuẩn canh tác hướng tới mục đích xanh, bền vững, an toàn.

 

Đơn vị cũng đang nỗ lực trong mục tiêu sản xuất xanh, khi cho ra mắt phân bón hữu cơ với nguồn cung nguyên liệu ngay trong nội địa, được sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu, để đảm bảo chất lượng phân bón tốt nhất cho cây trồng.

“Với việc đầu tư cho dòng phân bón hữu cơ nội địa này chúng tôi đang hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, vừa giảm lượng phát thải, vừa đảm bảo cân bằng Sức Khỏe đất, vừa đảm bảo sinh kế cho người nông dân”- bà Trúc nói.

Bình luận