Nông dân Hải Dương viết tiếp giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 26 Lượt xem

Bão số 3 khiến nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới ở Hải Dương tan hoang nhưng không thể quật ngã được ý chí của những người nông dân luôn đau đáu về nông nghiệp công nghệ cao. Để rồi, vượt lên sự tàn phá của thiên tai,

Chạy đua khôi phục sản xuất

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới vốn là niềm tự hào của 189 thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Nhờ mạnh dạn đổi mới mà từ hợp tác xã chuyên canh nông sản truyền thống, Tân Minh Đức đã gây dựng được tiếng tăm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước. Với hơn 45 ha nhà màng, nhà lưới phục vụ quy trình trồng dưa lưới, dưa chuột khép kín, hợp tác xã đã trở thành điểm đến của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn học hỏi kinh nghiệm, liên kết hợp tác.

Hợp tác xã Tân Minh Đức là mô hình điểm không chỉ của tỉnh Hải Dương mà của cả miền Bắc về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị kinh tế lớn được đánh giá là siêu lợi nhuận. Với 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột mỗi năm, hợp tác xã thu về từ 2,5-2,7 tỷ đồng/ha, lãi từ 1-1,2 tỷ đồng/ha. Thế nhưng cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua đã khiến công sức gần 10 năm qua của các thành viên hợp tác xã trở về con số 0.

Cơn bão khủng khiếp nhất trong vài chục năm qua đã làm sập hoàn toàn 30 ha nhà màng, nhà lưới, diện tích còn lại thì hư hỏng. Nông dân không chỉ thiệt hại nặng nề về hạ tầng sản xuất mà còn mất trắng thành quả chăm bẵm lứa dưa lưới chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Bão tan, gió lặng cũng là lúc người nông dân thấm thía sự mất mát đến tận cùng. Cả gia tài, vốn liếng, kế sinh nhai bỗng chốc trở thành gánh nặng, áp lực. Tuy vậy, sự chán chường mau chóng qua đi, người dân đã biến mất mát thành hành động, quyết tâm vực dậy cơ ngơi vun vén bao năm.

f59da1132aaf8cf1d5be.jpg
Bão số 3 đã khiến nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới ở Hải Dương đổ sập hoàn toàn

Sau bão, ngày nào ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cũng có mặt ngoài đồng động viên bà con khắc phục hậu quả bão số 3. Ông Thư nhớ lại hành trình xây dựng thương thiệu Tân Minh Đức với nỗi lòng nặng trĩu. Năm 2017, ý tưởng sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mới chỉ nhen nhóm ở 2 hộ thành viên với diện tích vài nghìn m2 và chỉ sau vài năm, hợp tác xã đã thành đơn vị có “số má” về nông nghiệp công nghệ cao. Vậy mà chỉ sau một cơn bão, mọi thứ đã đổi khác. Những khu vườn tiền tỷ bỗng chốc trở nên đổ nát, hoang tàn. Thế nhưng không vì thế mà nông dân nản lòng.

Gia đình anh Hoàng Hải Ca ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn có 3.600 m2 nhà màng, nhà lưới. Đây là thành quả khi anh đầu tư toàn bộ số tiền tích cóp trong nhiều năm lao động tại Nhật Bản. Mới thu được 2 vụ dưa thì bão số 3 ập đến. Vừa nhanh tay thu dọn từng thanh sắt ngổn ngang trên mặt ruộng, anh Ca vừa nói: “Nhà tôi còn chưa thu hồi vốn, vẫn nợ ngân hàng 700 triệu đồng. Chi phí dựng nhà màng ban đầu 110 triệu đồng/sào, giờ khôi phục lại cũng phải mất 65% số tiền làm mới. Không những vậy, việc thuê nhân công rất khó khăn. Mọi người phải liên hệ đội thợ cơ khí từ miền trong ra, khẩn trương dựng lại nhà màng cho kịp mùa vụ mới”.

Dự định mở rộng thêm 10.000 m2 nhà màng, nhà lưới của anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) đã tiêu tan khi những ngày này gia đình anh vẫn đang tập trung khắc phục diện tích bị đổ sập do bão số 3. Đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới tiêu tự động từ năm 2019, anh Tiến luôn khắc khoải ước mong có thể làm giàu ngay tại quê hương. Khởi đầu thuận lợi đã tiếp thêm niềm tin để anh mạnh dạn mở rộng quy mô. Song thảm hoạ thiên tai đã cản bước, anh phải tính toán lại nếu muốn tiếp tục con đường phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Kể về thời điểm bão số 3 tàn phá hơn 10.000 m2 nhà màng, nhà lưới của gia đình, anh Tiến bần thần nói: “Hơn 2,3 vạn dưa lưới chỉ còn hơn chục ngày nữa là thu hoạch thì bị bão quần thảo, rơi rụng hết cả. Bão mạnh xé toang màng căng, các cột chính đổ gãy nghiêng ngả, toàn bộ thanh chắn rơi rụng, vương vãi khắp nơi khiến ai đi qua cũng xót xa”.

098590aa0816ae48f707.jpg
Nông dân Hải Dương đang nỗ lực dựng lại nhà màng, nhà lưới sớm nhất có thể

Buồn rầu vì thiệt hại quá lớn nhưng khi được hỏi về dự định sắp tới thì ánh mắt anh Tiến lại ánh lên hy vọng. Anh cho biết hiện vẫn phải huy động người thân hỗ trợ, giúp đỡ thu dọn, phân loại những đồ vật, dụng cụ có thể tận dụng được để tiết kiệm chi phí sửa chữa, dựng lại nhà màng. “Khoảng nửa tháng nữa, khi khu nhà màng đầu tiên dựng xong, tôi sẽ trồng dưa chuột. Đây là giống ngắn ngày nên sẽ không bị lỡ thời vụ. Đến giờ mọi thứ đã nguôi ngoai, phải xốc lại tinh thần chứ không thể mãi bi quan, chán nản”, anh Tiến quả quyết nói.

“Tết này, nhà màng sẽ lại phủ xanh”

Đó là câu nói đầy lạc quan của chị Đỗ Thị Huệ ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn dù nhà chị vẫn đang tất bật dựng lại gần 11.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Ngày trước, gia đình chị chỉ quen canh tác những loại rau màu truyền thống như su hào, cải bắp, su lơ… Sản xuất manh mún, thu nhập lại bấp bênh nên khi được chuyển giao kỹ thuật sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, chị Huệ nhanh chóng áp dụng kỹ thuật tiên tiến và thu được hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy từ 1 khu nhà màng 4.000 m2, chị tiếp tục xây dựng thêm 3 khu nữa, chuyên trồng dưa lưới. Công sức, vốn liếng gom góp bao năm bị xoá sổ bởi bão số 3.

2d76401ec3a265fc3cb3.jpg
Dù mới đang hoàn thiện nhà màng, nhà lưới đầu tiên nhưng chị Đỗ Thị Huệ tin tưởng tới Tết Ất Tỵ các nhà màng, nhà lưới sẽ được phủ xanh

Khi nhìn cảnh tượng tiêu điều, xơ xác của diện tích nhà màng sau bão, chị Huệ chán nản, thậm chí có ý định buông xuôi. Khoản nợ cũ còn chưa trả xong mà kinh phí khôi phục lại cũng rất lớn. Dù vậy, vượt lên tất cả, chị vẫn lạc quan, tin tưởng vào hướng đi đã chọn. Chị Huệ chia sẻ: “Gắn bó với nghề nông nên có khó khăn, vất vả, vấp ngã nào mà chưa nếm trải. Chỉ có điều thiên tai, bão gió bất ngờ, ai cũng tiếc nuối đến thắt ruột gan. Giờ chúng tôi chỉ mong được tạo điều kiện cho hoãn nợ, giãn nợ để phục hồi sản xuất. Nếu được vậy, thì chỉ tới Tết Ất Tỵ là nhà màng lại được phủ xanh. Nếu nhà nào khắc phục nhanh có khi còn kịp bán vụ dưa Tết”.

May mắn hơn các hộ khác, gia đình chị Phùng Thị Tiện ở cùng thôn Nam Cầu vẫn giữ được khoảng 3.700 gốc dưa lưới sắp cho thu hoạch sau bão số 3. Dẫu vậy, thiệt hại là điều không tránh khỏi, nhà chị đang cố gắng khắc phục gần 2.500 m2 nhà màng sập đổ hoàn toàn. Trong thời gian đội thợ dựng lại nhà màng, chị Tiện tranh thủ dọn dẹp xung quanh, chuẩn bị giá thể, ươm cây giống để khi làm xong là vào vụ mới ngay. Chị Tiện khẳng định sẽ không bỏ cuộc giữa chừng, còn nước còn tát, chỉ mong những khu nhà màng tại địa phương sớm đi vào sản xuất ổn định.

Là thợ cơ khí nhưng anh Bùi Văn Mạnh ở xã Ứng Hoè (Ninh Giang) lại sớm bén duyên với nghiệp làm nông. Hơn 6.000 m2 nhà màng, nhà lưới của gia đình là do bản thân anh tự mày mò thiết kế, lắp dựng. Bão số 3 làm mọi thứ đổ nát trong khi khoản nợ lớn vẫn đang trực chờ. Tuy nhiên, anh Mạnh không bi quan mà vẫn kiên trì khắc phục thiệt hại. “Tôi đã xuống vụ giống mới, mầm xanh đã nhú, chả mấy mà cây leo giàn vươn lên. Có thể phải mất vài năm nữa, những người theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao mới bù đắp được hết hậu quả của bão. Dẫu vậy thì vẫn luôn phải hướng về phía trước”, anh Mạnh bày tỏ.

Hải Dương được ví như cái nôi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của miền Bắc khi tiếp cận sớm và phát triển nhanh phương thức sản xuất này. Toàn tỉnh có hơn 65 ha nhà màng, nhà lưới nhưng cơn bão số 3 với mức tàn phá của siêu bão đã khiến toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng. Chi phí đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới rất lớn, khoảng 3,3 tỷ đồng/ha nên thiệt hại của nông dân rất nặng nề. Mặc dù vậy, nông dân Hải Dương vẫn kiên cường vươn lên, nỗ lực vượt qua mất mát để khôi phục sản xuất, tiếp tục hiện thực hoá giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao.

DŨNG CƯỜNG

Bình luận