Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đặt mục tiêu tham vọng

Bình luận · 52 Lượt xem

Ngoài cột mốc về xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp còn đặt mục tiêu tăng cường thu hút vốn FDI, tăng cường nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) mới đây đã công bố Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu là đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới và huy động nguồn lực con người, công nghệ, tài chính, thu hút đầu tư từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Theo đề án, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD.

Cùng với đó, mỗi ngành hàng chủ lực có ít nhất một nhãn hiệu/thương hiệu công nhận tại các thị trường trọng điểm.

Ngành nông nghiệp trong thời gian tới cũng sẽ tập trung vào thu hút FDI, kỳ vọng mức 25 tỷ USD, trong đó, có 30% dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Điều này giúp kết nối nông dân và doanh nghiệp trong nước với chuỗi toàn cầu.

Để đạt được một số mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới.

Bên cạnh đó, xây dựng chương trình hài hòa hóa về hệ thống kiểm dịch và quản lý chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và xã hội theo các công ước quốc tế và các nước có tiềm năng.

Đồng thời, huy động nguồn hỗ trợ và chuyên gia của các nước tiên tiến để xây dựng và xác nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ hướng tới nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thị phần của xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam tại các thị trường lớn và mức thu nhập cao (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Đông Bắc Á, Canada, Hàn Quốc, Úc), qua đó, thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc xây dựng liên minh giữa các nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam với các đầu mối nhập khẩu tại các thị trường lớn.

Mục đích là đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, bền vững; giảm chi phí phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, logistics; phát triển kênh phân phối ổn định tại các thị trường lớn, hình thành các khu bán hàng Việt, tham gia sâu vào kênh phân phối hiện đại.

Bình luận