Tân Châu tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Bình luận · 43 Lượt xem

Một trong những mục tiêu quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp TX. Tân Châu là nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường.

Nhận thức được vấn đề này, UBND TX. Tân Châu đã ban hành Kế hoạch 849 /KH-UBND, ngày 22/5/2024, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong năm 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, thị xã sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong theo hướng vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập nông dân, phát triển kinh tế nông hộ; vừa chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất gắn với đẩy mạnh liên kết, liên doanh, cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm giúp thị xã tổ chức lại sản xuất theo hướng Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế. Tập trung hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao quy trình sản xuất mới, phát triển thị trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh…

Ông Nguyễn Trọng Nhân (xã Long An)  cho rằng, việc UBND thị xã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong năm 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030” là rất phù hợp với thực tiễn hiện nay. Từ việc cơ cấu lại, thị xã sẽ tính toán trên tổng diện tích (hơn 12.000ha) đất sản xuất, đất trồng lúa, nuôi cá, rau màu, cây ăn trái… cho phù hợp. Ngoài cây lúa (ngành hàng không thể thiếu), thị trường thế giới lẫn trong nước còn cần rất nhiều loại nông sản khác, như: Xoài, mít, chuối, sầu riêng, cá tra, cá hú, lươn, cá he… sản xuất mỗi thứ bao nhiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Tôi rất tán thành quan điểm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp thị xã lần này. Định hướng tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp từ chiều rộng (lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu) sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu (tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, kinh tế, xã hội, môi trường và sức cạnh tranh hàng hóa sản chủ lực của địa phương), giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình là điều nông dân mong muốn” - ông Nhân, chia sẻ thêm.

 

 

TX. Tân Châu khuyến khích nông dân trồng các giống lúa có chất lượng gạo cao, gạo thơm để xuất khẩu

Theo đó, mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn 2024 - 2025 đề án đưa ra, duy trì mức tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành ở mức 3,5 - 3,8%/năm. Tăng trưởng bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của nông dân đạt 71 triệu đồng/người/năm (tăng 25% so năm 2023). Vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 650ha; vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao khoảng 9.000ha; diện tích chuyên canh nuôi cá tra giống, cá tra thịt khoảng 350ha. Đồng thời, nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa… Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo trách nhiệm, minh bạch cùng nâng cao chất lượng sản phẩm. “Vùng bờ bao Vĩnh Xương - Phú Lộc có đến 650ha xoài, đây là vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu rất tốt. Tuy nhiên, muốn trái xoài (của vùng này) xuất được đến các quốc gia trên thế giới, một trong những yêu cầu bắt buộc là phải được cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng. Trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp có đề cập vấn đề này, tôi rất vui mừng” - ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc, chia sẻ.

Cụ thể, với ngành hàng lúa gạo, thị xã sẽ duy trì diện tích trồng lúa đến năm 2025 khoảng 22.000ha/năm. Cơ cấu diện tích sản xuất lúa hợp lý theo từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và sức tiêu thụ của doanh nghiệp. Quy hoạch vùng trồng lúa tập trung quy mô lớn, trong đó chú trọng các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của thị xã như Phú Vĩnh, Long An, Lê Chánh...  Đặc biệt, giảm dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, chú trọng nuôi thủy sản, rau màu, cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái… Riêng ngành hàng cá tra, phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung tại các vùng nuôi công nghệ cao xã Vĩnh Hòa; phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TX. Tân Châu tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

MINH HIỂN - THUẬN THẢO

Bình luận