Cần lắng nghe, bắt bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho đất

Bình luận · 39 Lượt xem

Việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ và năng suất lâu dài của đất đai góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Do đó, cần thực hiện nhiều giải pháp như, thúc đẩ

Đó là chia sẻ của Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) PGS. TS Trần Minh Tiến bên lề Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây.

Coi đất đai như thực thể sống

- Thưa ông, ông nhận định gì về tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ đất ở Việt Nam hiện nay?

Rõ ràng vai trò của đất ở nước ta - một quốc gia nông nghiệp chủ yếu là vô cùng quan trọng. Với dân số hơn 100 triệu người, việc bảo đảm nguồn lương thực đủ và xuất khẩu là một thách thức lớn. Chính vì vậy, vai trò của đất đai không thể xem nhẹ. Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết sức quan tâm đối với vấn đề này. Chúng ta thấy đã có rất nhiều chính sách và quy định liên quan đến đất và bảo vệ sức khoẻ của đất được đưa ra. Ngay cả trong các Nghị quyết của Đảng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta còn thiếu chính là tiềm lực và tìm ra cách thức thực hiện những chỉ đạo, chính sách đó một cách hiệu quả nhất. Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” ra đời sẽ là cơ sở hỗ trợ rất nhiều trong việc nghiên cứu và phát triển những chương trình, khung thực hiện chung giúp các địa phương, doanh nghiệp, nhà tài trợ và đối tác có căn cứ vững chắc để thực hiện các hoạt động, công tác bảo vệ sức khoẻ cho đất, cũng như quản lý dinh dưỡng cây trồng.

Có thể nói, đất đai giống như một thực thể sống, nên việc tiếp cận các vấn để về đất đai cũng cần nhìn dưới góc độ khoa học như đối với một cơ thể sống. Nếu không xác định đúng vấn đề, đúng bệnh thì việc khám, bắt bệnh và can thiệp sẽ trở nên lộn xộn và tốn kém.

dsc-1976-5084.jpg
Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) PGS. TS Trần Minh Tiến
 

- Qua những nghiên cứu gần đây, ông cho rằng đã đến lúc chúng ta không thể trì hoãn việc thực hiện Đề án này. Vậy, nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt là gì nếu tiếp tục chần chừ?

Chắc chắn là không thể kéo dài thêm việc thực hiện Đề án. Đất đai không tự lên tiếng, chỉ có một số nhà khoa học hoặc những người nông dân trực tiếp làm việc trên đất mới cảm nhận được "tiếng nói" của đất. Tuy nhiên, sự biến đổi của đất diễn ra rất chậm và khi cần phục hồi lại vô cùng khó khăn.

Qua các báo cáo về đất và sức khỏe của đất, chúng ta cũng đã thấy rõ, trong 30 năm qua, đất đai của chúng ta đã thay đổi như thế nào... Đặc biệt là những yếu tố như độ chua, hàm lượng hữu cơ và việc phục hồi chúng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Nếu chúng ta không có những cảnh báo kịp thời ngay từ bây giờ, khi hậu quả xảy ra thì sẽ rất nghiêm trọng.

Chúng tôi tin rằng, Đề án này mặc dù được đưa ra hơi muộn, nhưng hết sức thiết thực và có giá trị thực tiễn cao.

Số hoá nâng cao hiệu quả việc bảo vệ sức khoẻ đất

- Để thực hiện triển khai Đề án, góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ, nâng cao sức khoẻ đất trồng trước mắt chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Mục tiêu của Đề án chính là làm sao để bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp của chúng ta luôn khỏe và bền vững. Việc xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn và quy chế chỉ là bước khởi đầu giúp chúng ta đi đúng hướng.

 

Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng các chương trình, nội dung cần thiết như, đề xuất nghiên cứu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thiết lập quy trình và tiêu chuẩn đánh giá sức khỏe đất cũng như quản lý dinh dưỡng cây trồng ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, ở cấp địa phương, người dân sẽ quan tâm đến những vấn đề gì; còn ở cấp Nhà nước hay quốc gia thì họ sẽ quan quan tâm đến những vấn đề gì. Tại các nông hộ và trang trại, họ cũng sẽ quan tâm, chú trọng đến những vấn đề, khía cạnh riêng. Vì vậy, việc làm rõ những vấn đề cần thực hiện là rất cần thiết để định hướng cho những nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ hợp tác quốc tế. Do nguồn lực trong nước còn hạn chế, việc tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về lĩnh vực đất đai và sức khỏe đất sẽ mang lại nhiều lợi ích. Điều này không chỉ phục vụ cho cộng đồng mà còn cho toàn nhân loại. Chúng tôi cũng mong rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết nối với các trung tâm nghiên cứu lớn để có thể áp dụng những kiến thức mới, từ đó thúc đẩy nhanh chóng tiến trình thực hiện Đề án này.

- Hiện nay, nhiều quốc gia đã phát triển Đề án Bác sĩ đất, vậy ông có thể gợi ý giải pháp nào cho Việt Nam từ Đề án này để chúng ta có thể bảo vệ, nâng cao sức khoẻ đất đai?

Thực tế, Đề án Bác sĩ đất đã được bàn luận khá nhiều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những ý kiến rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận. Việc xây dựng mạng lưới bác sĩ đất như Thái Lan là điều không dễ dàng, bởi họ có truyền thống lâu dài và nguồn quỹ lớn từ Quỹ nhà vua.

Còn ở Việt Nam, chúng ta cần có những bước chuyển mình, đặc biệt là thông qua chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Chúng ta sẽ xây dựng các ngân hàng dữ liệu để tạo ra hệ thống kết nối trực tiếp với nông dân. Với hệ thống nền tảng dữ liệu lớn (Big data), hệ sinh thái platform, khi nông dân có câu hỏi, hệ thống sẽ cung cấp câu trả lời. Nếu các hệ thống đó không thể trả lời, thì các nhà khoa học sẽ vào cuộc để hỗ trợ cho bà con.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn, các công ty cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp và các đại lý ở địa phương trở thành những điểm thu thập thông tin quan trọng về đất, quản lý dinh dưỡng của đất. Và họ cần được đào tạo để có thể chuyển giao thông tin hiệu quả, vì chính họ là những người làm việc trực tiếp và tham gia vào hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp với nông dân.

Trong ngắn hạn, chúng ta cần tập trung vào việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng để có thể nhận được nguồn tài trợ. Đồng thời, chúng ta cũng cần xây dựng một khung chung để mọi người có thể thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đúng định hướng. Đó chính là bước khởi đầu quan trọng và chúng ta cần tạo ra các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết để thực hiện Đề án này và cũng có thể gợi mở những giải pháp, cách thức nhằm bảo vệ sức khoẻ cho đất một cách hiệu quả.

 

Như tôi đã nói, đất không chỉ là một thực thể đơn thuần, mà còn rất sống động. Hơn nữa, cách tiếp cận của các đối tượng khác nhau cũng đa dạng và đó chính là điều chúng ta cần ưu tiên chú ý. Chúng ta có thể dựa vào đó để xây dựng quy trình và tiêu chuẩn, nhằm thu thập thông tin và tạo ra những “sân chơi” chung, nơi mọi người có thể cùng nhau đóng góp để bảo vệ sức khỏe của đất.

Chúng tôi rất mong muốn, các cơ quan truyền thông cũng chú trọng hơn đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là bà con nông dân. Thực tế, bà con nông dân sống gắn bó với đất, họ sẽ hiểu rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên truyền thông nhiều và rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khoẻ cho đất, quản lý dinh dưỡng đất… cho bà con nông dân.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận