Thị trường Halal tăng trưởng ngay cả trong đại dịch
Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "được phép dùng". Theo Luật Hồi giáo, tất cả các nguồn thực phẩm đều hợp pháp ngoại trừ nguồn là các loài động vật hoặc sản phẩm động vật bị cấm kỵ (Haram). Các sản phẩm và dẫn xuất của chúng cũng bị coi là bất hợp pháp.
Một số sản phẩm đặc biệt đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ;… các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch;…
SGIE 2022 đã chỉ ra chi tiêu cho thực phẩm Halal đã có sự tăng trưởng gần 7% kể cả trong đại dịch COVID-19, đạt 1,27 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu – một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
Ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm Halal ngày một gia tăng cho thấy sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Đáng lưu ý là so với các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ hay châu Âu,… chi phí logistics vào thị trường Hồi giáo thường giảm nhiều, vì thế cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt.
Muốn khai thác thị trường Hồi giáo một cách bài bản, theo các chuyên gia cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm sản phẩm Halal tại Việt Nam, tránh việc triển khai manh mún, rời rạc, kém hiệu quả như hiện nay. Vì tiêu chuẩn Halal đã không chỉ dừng ở khâu sản xuất mà còn đi vào cả các khâu phân phối, dịch vụ và tiêu dùng.
Việt Nam hiện cũng là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới (đứng thứ 2 trong khu vực và 23 trên toàn cầu) với thế mạnh là hàng nông sản và thực phẩm chế biến - những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia là do chúng ta đang triển khai theo nhu cầu tự phát của từng doanh nghiệp mà chưa có một chiến lược bài bản cấp quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal.
Các tiêu chuẩn Halal ngày càng nghiêm ngặt
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến quân vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Qua đó, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn.
Ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đánh giá, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.
Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal là không có một tiêu chuẩn Halal duy nhất được công nhận trên toàn thế giới.
Theo bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt.
Theo ghi nhận của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), đại đa số các doanh nghiệp có tiềm lực tốt trong hiệp hội như Vinamilk, Bibica, Cholimex,… đều đã có chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo từ nhiều năm nay.
Trong đó, nổi bật là Vinamilk đã thành công chinh phục người tiêu dùng Trung Đông bằng những sản phẩm Halal chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của thị trường này. Bắt đầu khai phá từ những năm 2000, đến nay Trung Đông đã trở thành thị trường chủ lực, đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu của Vinamilk với những dòng sản phẩm trọng tâm như sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc,…
"Nhưng nhìn chung giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp", bà Lý Kim Chi thừa nhận. Nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu đến từ khác biệt về văn hóa kinh doanh và thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, tất cả người Hồi giáo đều tuân theo những đức tin và tôn giáo của đạo Hồi, trong đó tiêu dùng thực phẩm Halal được coi như một nghĩa vụ tôn giáo mà các tín đồ Hồi giáo phải tuân thủ, được thông qua giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tiềm năng, yêu cầu để sản phẩm nông sản; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào thị trường Halal đã được nhận định rõ. Do đó, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế… để tiếp cận và từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, sớm đưa sản phẩm chăn nuôi, điển hình là thịt gà Việt Nam đi vào thị trường Halal.
"Các doanh nghiệp phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể cho từng công việc, nội dung để các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời hỗ trợ để toàn bộ quy trình sản xuất từ: con giống, chuồng trại, thức ăn, giết mổ… kiện toàn theo đúng tiêu chuẩn Halal", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.