Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 4] Không gì bằng nuôi bò sữa

Bình luận · 34 Lượt xem

Dù phải đối mặt sức ép giá thức ăn tăng cao, lão nông 73 tuổi ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vẫn bình thản: 'Không gì bằng nuôi bò sữa'.

Vướng cơ chế

Lê Thị Lý, Phó trưởng Phòng Khuyến nông huyện Vĩnh Tường cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành chăn nuôi bò sữa ở huyện là thiếu hành lang pháp lý về chuồng trại tập trung.

Vướng mắc đầu tiên là nếu xây trang trại ở xa khu dân cư, chỉ còn cách xây gần đê. Tuy nhiên, việc này lại không được Luật Đê điều cho phép bởi vướng hành lang thoát lũ.

Công nhân cho bò ăn cỏ đã qua sơ chế, trộn thêm men vi sinh, bột ngô cho bò sữa ăn tại một trang trại ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Văn Việt.

Công nhân cho bò ăn cỏ đã qua sơ chế, trộn thêm men vi sinh, bột ngô cho bò sữa ăn tại một trang trại ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Văn Việt.

“Theo thông tư mới của Bộ NN-PTNT về trang trại, xây dựng hệ thống chuồng trại như nào? Làm sao đảm bảo đúng các quy định, mong các Bộ và các cơ quan chuyên môn giúp đỡ. Bộ mới ra tiêu chí, còn quy định chi tiết về xây dựng thế nào, xây những gì, là điều mà khuyến nông chưa biết”, bà Lý nói.

Bà Lý nói hiện “chưa có hướng dẫn cụ thể” về thông tư mới của Bộ NN-PTNT liên quan tới chuồng trại tập trung. Ước tính, với đàn bò sữa 15.000 con, sản lượng sữa tăng từng ngày, nếu được quy hoạch tập trung, số lượng bò và sản lượng sữa còn tăng.

Vĩnh Tường lâu nay là địa chỉ cung cấp sữa tươi sạch đạt chuẩn cho nhiều hãng sữa như Vinamilk, Cô gái Hà Lan.

Một điểm khác mà bà Lý đề cập là vấn đề môi trường. Trước kia, ô nhiễm từ chất thải bò từng khiến người dân và chính quyền đau đầu, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nay mọi thứ đã giảm bớt nhiều khi chuồng trại đưa ra xa khu dân cư, thảm lót sinh học xuất hiện khiến mùi ô nhiễm giảm. Mặt khác, việc thương lái thu mua phân bò với giá 25.000đ/bao tải cỡ 25kg, khiến người dân càng có ý thức hơn.

Tuy vậy, nước thải từ chuồng bò vẫn là điểm nghẽn trong xử lý. Theo bà Lý, nước thải từ các chuồng bò tại huyện vẫn chảy vào hệ thống cống rãnh chung, chưa qua xử lý.

“Chỉ cần 10 -15 con bò lượng xả thải hàng ngày là rất lớn. Nước thải có mùi amoniac. Dân ở đó quen, dân ở nơi khác đến chắc phải nửa ngày mới có thể chịu đựng. Trước kia tỉnh có đề án xử lý, nhưng chưa đưa vào thực tế”, bà Lý nói.

Được biết, về vấn đề chăn nuôi tập trung, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 201, từ thời 2015 2020, song cho tới nay vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc cơ chế, chế tài.

Giải pháp trước mắt mà huyện Vĩnh Tường và nhiều nơi ở Vĩnh Phúc áp dụng là dùng đệm lót sinh học. Chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào mang tính chi tiết, song cảm nhận của người dân địa phương là “tạm được”. Bà Lý đánh giá đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải là hướng đi lâu dài.

Ô nhiễm là có, song bảo người dân bỏ nghề là điều không tưởng, bởi thu nhập từ bò sữa mang lại cho mỗi gia đình khoảng 2 - 3 triệu/ngày với đàn bò khoảng 10 con. Bò sữa bây giờ cũng có đội ngũ “trình dược viên” như ở người. Các “trình dược viên” này sống được nhờ bán thuốc, chế phẩm sinh học phục vụ trang trại bò sữa. Ngoài ra, họ còn có thể thêm cả nghề dẫn tinh viên, giúp bò phối giống.

“Nuôi bò không dễ. Ít nhất hệ thống làm mát, máy cắt cỏ, vệ sinh cho bò đã tiêu tốn cả tỷ đồng mua thiết bị, chưa tính bảo dưỡng. Vì sữa là sản phẩm yêu cầu rất cao, nên để bán được hàng, nông dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Sản lượng sữa tăng hay giảm bất thường đều phải giải trình chi tiết với hãng sản xuất sữa”, bà Lý cho biết.

Sữa bò tươi Vĩnh Tường nhiều năm qua là địa chỉ tin cậy của các hãng sữa lớn. Ảnh: Hoàng Anh.

Sữa bò tươi Vĩnh Tường nhiều năm qua là địa chỉ tin cậy của các hãng sữa lớn. Ảnh: Hoàng Anh.

Con bò bằng ba miếng đất

Nhớ về thời khởi đầu của nghề nuôi bò sữa, tầm những năm 2000, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, cho biết: “Ban đầu chỉ có 4-5 hộ là cán bộ xã nuôi với tổng số 50 con bò. Mỗi con khi đó giá 20-25 triệu đồng, tương đương 3 miếng đất ở nông thôn”.

Bò sữa thời đó được mua với 100% vốn tài trợ từ một chương trình phát triển nông thôn của Bỉ. Từ cái thời mua 1 con bò mất 3 miếng đất, đến nay ở Vĩnh Thịnh có khoảng 15.000 con bò, trong đó 10.000 con bò sữa, còn lại là bò thịt. Thời kỳ 2015, giá một con bê cái mới đẻ có khi lên đến 10 triệu đồng. 

Dần dà, từ những chuồng trại đơn sơ, nông dân xây trang trại lớn hơn tại nhà. Khi phát triển lớn quá, họ đi mua, thuê đất của các hộ dân ven đê.

Theo ông Khánh, chăn nuôi bò sữa vẫn là thế mạnh của xã. Tính bình quân mỗi con bò cho 18-20 lít sữa mỗi ngày, giá bán 13.000đ/lít. Con số này mang lại thu nhập 450-500.000 đồng, trừ chi phí, mỗi hộ dân lãi 200.000đ. Nếu nuôi 10 con bò, mỗi ngày nông dân bỏ túi khoảng 2 triệu đồng.

“UBND xã cũng đã có kế hoạch lập khu chăn nuôi tập trung, song gặp khó do cơ chế. Nhiều hộ muốn làm nhưng không có đất. Hộ có đất lại không muốn làm, chỉ muốn bán với giá cao. Mặt khác, xã cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về mô hình này”, ông Khánh cho biết.

"Về thuận lợi, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ưu tiên cho đàn bò sữa. Nông dân cũng có kinh nghiệm sau 20 năm vừa làm vừa học hỏi. Lợi nhuận từ đàn bò sữa đang là số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Các hãng sữa như Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Sữa quốc tế Ba Vì,... thu mua đều đặn. Mỗi tháng doanh nghiệp chi trả tiền sữa 2 lần, rất ổn định. Sữa cứ đạt chuẩn là thu mua hết nên dân rất mừng”, ông Khánh nói.

Nguồn sữa thô ở Vĩnh Thịnh là rất lớn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào sản xuất chế biến sữa thô thành sản phẩm tinh chế như sữa chua, sữa tươi tinh khiết, sữa hoa quả. Hiện, toàn xã Vĩnh Thịnh mới chỉ có một doanh nghiệp tư nhân đứng ra thu mua sữa từ các đại lý để chế biến, nhưng năng suất chưa cao.

Về khó khăn với ngành chăn nuôi bò sữa, ông Khánh cho rằng nằm ở hai điểm là thủ tục và quỹ đất. UBND xã Vĩnh Thịnh dự kiến dành 25 ha đất ở 4 điểm: An Lão, Khách Nhi, Hoàng Xá, An Thượng, để xây trang trại chăn nuôi tập trung.

Theo ông Khánh, hiện số lượng đàn bò tăng liên tục, quỹ đất không kịp. Mỗi con bò tốn 2 sào đất trồng cỏ, từ lúc bắt đầu cho sữa đến hết năm. Dân phải mua khoai, ngô, chuối làm thức ăn dự trữ.

“Bò khoảng 2 tuổi sẽ cho sữa. Chu kỳ cho sữa liên tục trong 10 tháng. Sau đó phải cai 2 tháng. Tính ra cứ 10 con bò hết 1 mẫu đất trồng cỏ”.

Theo người dân địa phương, mùa đông bò cho sữa ổn định, nhưng chi phí thức ăn đầu vào lại tăng cao. Mùa hè, chi phí cho 1kg sữa là 4.000-5.000 đồng, mùa đông phải là 6.000-7.000 đồng. Do đó, vào mùa đông, dân phải cộng thêm 2.000 đồng vào giá. Hiện ở Vĩnh Thịnh, gia đình nuôi nhiều nhất là 50 con.

Gặp khó ló khôn

Người thành công luôn có lối đi riêng. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Duy Hiệp, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh. Ông Hiệp tham gia nuôi bò từ “giai đoạn 2” của dự án nuôi bò. Ban đầu, mô hình này xuất phát từ thôn An Lão năm 2000. Đến 2001, thành công của việc nuôi bò sữa bắt đầu lan đến thôn Khách Nhi Xuôi. Ông Hiệp bắt đầu nuôi bò từ đó.

Theo ông Hiệp, đối với các xã ven sông như tại huyện Vĩnh Tường không nghề nào hiệu quả bằng nghề nuôi bò sữa. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo ông Hiệp, đối với các xã ven sông như tại huyện Vĩnh Tường không nghề nào hiệu quả bằng nghề nuôi bò sữa. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Hiệp mày mò dần từ nuôi 7-8 con, đến chục con. Dần dần, quy mô đàn bò tăng mạnh, chuồng trại trong nhà không đủ đáp ứng nữa. Năm 2006, ông Hiệp mạnh dạn mua hơn 300m2 đất ngoài bãi để làm chuồng trại chăn nuôi. Tính ra số tiền mua đất thời đó, bằng bán khoảng chục con bò sữa khỏe mạnh.

Đàn bò 60 con thay đổi cuộc sống của cả gia đình, từ ông Hiệp đến các cháu nội, ngoại. Gia đình có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, mấy đứa cháu đều được học Đại học ở Hà Nội. Tiền nong trong gia đình, chủ yếu đến từ đàn bò.

Cái khó của nuôi bò với ông Hiệp, hiện giờ là giá thức ăn tăng cao. Trước bão Yagi, mỗi sào chuối cho bò ăn chưa tới 2 triệu đồng. “Mà 2 triệu hồi đó chào mời cũng không ai mua. Bão vào, cây trồng gãy đổ hết. Bây giờ 4 triệu/sào vẫn đắt hàng. Rơm từ 30.000 đồng lên thành 50.000 đồng/bó. Ngô đã lên mốc 2,5 triệu/sào, trong khi trước bão Yagi là 1,1-1,2 triệu đồng.

Khó khăn, song ông Hiệp vẫn bình tĩnh. “Nuôi bò sữa lúc thuận lợi thì mình kiếm được, giờ khó khăn thì phải duy trì chứ. Bỏ sao được, mọi thứ sẽ bình ổn lại. Làm nông ở đây không cái gì thu nhập cao bằng bò sữa”, lão nông 73 tuổi, nói.

Nói gì thì nói, ông Hiệp dù sao vẫn may hơn nhiều hộ khi sớm nhận ra phải có chuồng trại lớn. Để có quy mô ba sào rưỡi trang trại như ông Hiệp, bây giờ bỏ ra một tỷ bạc, chưa chắc mua nổi.

Mà đó đã là giá mua đất sau bão, bởi sự tàn phá của Yagi khiến nhiều người chùn tay trước ý tưởng đầu tư nuôi bò sữa.

Nuôi bò không phải chuyện dễ. Năm ngoái, một con bò thải, tức là bò không còn khả năng cho sữa ổn định, bán thải đi cũng phải 27-28 triệu đồng. Bây giờ bò thải chỉ có giá 12 triệu đồng, cho một con bò không dưới 1,6 tạ.

Điều khiến ông Hiệp vững tin, là đàn bò đang cho thu nhập ổn định chừng 100 triệu mỗi tháng, đã trừ hết chi phí. Nghề nuôi bò giờ muốn có lãi, phải nuôi ít nhất 10 con, ông Hiệp nhẩm tính.

Về câu chuyện chăn nuôi ngoài đất bãi, lão nông hơn 20 năm gắn với đàn bò sữa, cho rằng đó là xu thế tất yếu. Không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, việc chăn nuôi với quy mô lớn cũng cho sản lượng sữa nhiều và ổn định hơn.

Bình luận