An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 36 Lượt xem

Hiện toàn tỉnh có hơn 95.700 hộ đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ðồng thời, tích cực vận động hội viên, nông dân đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo ATVSTP; tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP); sản xuất phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ưu tiên giữ gìn và phát huy các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương.

Ðơn cử, tại xã An Xuyên (TP Cà Mau), xã thuần nông đang từng bước phát huy lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn; cùng với cây lúa, những năm qua, nông dân xã đã xây dựng được những vùng chuyên canh rau màu đem lại lợi nhuận cao, điển hình là Hợp tác xã (HTX) Thuận Ðiền chuyên canh trồng màu.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên, cho biết: "Tổng diện tích rau màu của xã tương đối lớn, từ 40-60 ha, trong đó, diện tích trồng thường xuyên trên dưới 10 ha, tập trung trồng nhiều là HTX Thuận Ðiền, mà đa số là nông dân Ấp 8".

Ðược thành lập vào tháng 10/2018, HTX Thuận Ðiền chủ yếu trồng: dưa leo, khổ qua, cà phổi... hằng năm cung ứng ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Bạc Liêu, Kiên Giang với số lượng lớn, mỗi ngày khoảng 1-3 tấn sản phẩm.

“Ðặc biệt, nhiều năm trở lại đây, nhiều thành viên HTX chọn dưa leo là mặt hàng chủ lực để chuyên canh, bởi đây là loại cây trồng cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, mau thu hồi vốn. Bình quân, mỗi năm trồng 4 vụ dưa leo xen canh với bí đao, mướp, khổ qua và cà phổi... mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Tâm phấn khởi.

 

Niềm vui vụ mùa dưa leo thắng lợi của anh Võ Hoàng Giang.

 

Ðưa chúng tôi đi thăm rẫy dưa leo vừa đến kỳ thu hoạch của anh Võ Hoàng Giang, thành viên HTX (anh Giang là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, đã trồng thành công các loại rau màu trên đất mặn - PV), ông Tâm tâm đắc: “Quan trọng hơn hết là tất thảy thành viên HTX tuân thủ quy tắc: tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hoá học trong sản xuất; sản phẩm nông sản luôn đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

Ðẩy chiếc xe rùa đầy ắp dưa leo mới hái xanh mướt, anh Giang vui vẻ chia sẻ: “Tôi trồng màu từ năm 2010 đến nay, hồi trước trồng diện tích nhỏ, 5 năm trở lại đây mở rộng diện tích. Kỹ thuật trồng khá đơn giản, chủ yếu làm vi sinh, đất phơi xới rồi xử lý phân bò, tro trấu, trấu sống, phân dừa theo tỷ lệ 4-4-1-1. Khỏi lót theo vòng mà khui lỗ bỏ hột, được 7 ngày tưới vi sinh theo gốc. Nhà không có vi sinh thì mua phân thùng, phân hữu cơ, gần có trái thì triển khai tốc màng phủ, đi phân bò lần nữa”.

 

Anh Võ Hoàng Giang chia sẻ kỹ thuật trộn phân: phân bò, tro trấu, trấu sống, phân dừa theo tỷ lệ 4-4-1-1 để dưa leo thắng vụ quanh năm.

Anh Võ Hoàng Giang chia sẻ kỹ thuật trộn phân: phân bò, tro trấu, trấu sống, phân dừa theo tỷ lệ 4-4-1-1 để dưa leo thắng vụ quanh năm.

 

Ðể trừ côn trùng cắn phá, anh Giang dùng tỏi kết hợp các loại phân hữu cơ. Nhờ cách làm theo phương thức này mà nhiều năm liền anh trồng dưa leo thắng lớn, anh Giang còn tìm cách ủ phân để dưa leo ra nhánh, trái nhiều hơn, kéo dài thời gian thu hoạch, chi phí thấp và luôn đảm bảo ATVSTP.

Anh Giang chia sẻ thêm: “Trước tiên, ủ phân phải có nguồn đạm: cá hoặc ấu trùng ruồi lính đen. Ủ phải có vi sinh, được khoảng hơn 30 ngày thì lấy nước trong sử dụng... Hiện nay, tôi đang triển khai thêm mô hình chiết cây đu đủ, trồng mai vàng, cũng áp dụng vi sinh, để tận dụng hết diện tích vườn tạp, mở rộng mô hình kinh tế gia đình”.

 

Không chỉ tăng thu nhập từ trồng dưa leo hữu cơ, anh Giang còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không chỉ tăng thu nhập từ trồng dưa leo hữu cơ, anh Giang còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên khẳng định, ATVSTP trong sản xuất nông nghiệp là một trong những phương thức canh tác cho ra các sản phẩm sạch, an toàn với ưu điểm vượt trội là thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình này trong toàn xã để từng bước thay đổi nhận thức, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững.

Tại khóm Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình ông Hứa Minh Nhựt cũng tuân thủ quy tắc ATVSTP và đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện.

Ông Nhựt chia sẻ: “Từ ngày được công nhận sản phẩm OCOP, nước mắm truyền thống bán rất mạnh. Trước đây thu nhập 20-30%, từ khi đạt OCOP thì lên tới 70-80%, thậm chí có ngày bán 70-80 lít. Nhẩm tính một năm có thể bán vài chục ngàn lít. Từ đó, sản phẩm có thương hiệu, tung ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng”. 

Theo ông Nhựt, để làm ra loại nước mắm nguyên chất ngon, đòi hỏi quy trình sản xuất hết sức tỉ mỉ từng khâu, từ nguyên liệu, quá trình ủ cho đến khi ra được thành phẩm.

 

Ðể làm ra loại nước mắm nguyên chất ngon, đòi hỏi quy trình sản xuất hết sức tỉ mỉ từng khâu, từ nguyên liệu, quá trình ủ cho đến khi ra được thành phẩm.

Ðể làm ra loại nước mắm nguyên chất ngon, đòi hỏi quy trình sản xuất hết sức tỉ mỉ từng khâu, từ nguyên liệu, quá trình ủ cho đến khi ra được thành phẩm.

 

“Sản phẩm của tôi, nguyên liệu từ cá thiên nhiên, muối, ủ thời gian 1 năm thành phẩm rồi đưa ra nắng phơi để sản phẩm có chất lượng, tạo thêm mùi thơm, giữ được thời gian dài, nên người dùng an tâm. Hiện nay tôi làm thủ công, nhưng thời gian tới sẽ đầu tư máy móc để nghề truyền thống này phát triển hơn nữa, sản phẩm nâng cao chất lượng, quảng bá xa hơn ra thị trường các tỉnh. Kinh tế gia đình phát triển, tôi sẽ thu hút thêm một số lao động địa phương”, ông Nhựt cho biết.

 

Ông Hứa Minh Nhựt (bìa phải), phấn khởi vì sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình được chứng nhận OCOP và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Hứa Minh Nhựt (bìa phải), phấn khởi vì sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình được chứng nhận OCOP và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước, thông tin: "Thời gian qua, Hội Nông dân huyện chú trọng, quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp sạch, ATVSTP. Theo đó, đã hỗ trợ nhiều hội viên nông dân có những mô hình để phát triển, như mô hình làm nước mắm, trồng bồn bồn và nuôi tôm, cua... để bà con đăng ký sản phẩm và hoàn thiện quy trình, thủ tục được công nhận sản phẩm OCOP. Ðến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 16 sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp và từ người dân sản xuất, từ đó, tăng giá trị thu nhập cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong sản xuất nông nghiệp gắn với ATVSTP, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và ATVSTP. Năm 2024, Hội đề ra mục tiêu phấn đấu 100% hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo ATVSTP./.

 

Băng Thanh - Lê Tuấn

Bình luận