Đến thăm mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính của vợ chồng anh Huỳnh Việt Trung và chị Phạm Thúy Liễu ở ấp Long Hòa, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên. Tại vùng đất trũng và nhiễm phèn của xã Tân Long, trước đây làm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng 2 vợ chồng anh Trung, chị Liễu đã mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng giá trị kinh tế.
Chia sẻ về mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của gia đình, anh Huỳnh Việt Trung cho biết: “Mô hình này hai vợ chồng tôi làm theo hình thức nông nghiệp tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài. Đầu tiên thì được Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Ngã Năm tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng với 500m2 nhà lưới. Khi thực hiện thấy hiệu quả thì tôi cũng tăng diện tích lên. Để có nguồn hàng giao khách quanh năm thì mình làm trồng theo hình thức xoay vòng.
Chị Phạm Thuý Liễu, vợ anh Trung tiếp lời: “Có cán bộ hướng dẫn 2 vợ chồng trồng trước, từ đó, học tập kinh nghiệm, giờ phát triển và nhân rộng mô hình".
Từ thí điểm 500m2 nhà kính trồng dưa lưới ban đầu, đến nay, anh Trung đã mạnh dạn mở rộng thêm nhà kính với diện tích hơn 5000 m2. Theo anh Trung, để có trái thu hoạch quanh năm cung cấp cho thị trường, anh trồng theo hình thức xoay vòng, chia ra nhiều đợt trồng, mỗi đợt cách nhau từ 10-15 ngày. Theo đó, mỗi năm anh trồng khoảng 36.000 dây, thu hoạch bình quân khoảng 70 tấn trái/năm, thương lái đến tận nơi mua với giá 35.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập trên 240 triệu đồng.
Bà Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Trung được thực hiện khoảng 4-5 năm nay rất hiệu quả. Anh Trung trồng liên tục, lấp vụ, chất lượng dưa thì rất ngon, đem lại sự an toàn cho người tiêu dùng. Tại đây, dưa được trồng trong nhà kính và chỉ sử dụng phân hữu cơ.
Được biết, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm là vùng đất trũng, nhiễm phèn nên việc trồng lúa năng suất không cao. Vợ chồng anh Trung đã chuyển dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế hơn.
Hiện nay, anh Trung và chị Liễu đang phát triển vườn tổng hợp trên diện tích đất khoảng 10 ha. Trong đó, ngoài 5 công trồng dưa lưới, anh còn trồng 18 công dừa cùng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao khác, như ổi, sầu riêng, xoài... Đặc biệt là vài ha đất trồng ổi Ruby hiện đang cho trái dự kiến cũng sẽ cho thu nhập khá.
Nói về quá trình cải tạo đất nhiễm phèn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới nâng cao giá trị kinh tế, anh Huỳnh Việt Trung cho biết: “Nông dân chúng tôi phải có tâm huyết, kiên trì, tìm hiểu các biện pháp làm. Trước tiên là phải xử lý đất trước, đất phèn thì phải có nguồn nước xổ phèn. Tôi thực hiện bằng cách là phơi khô đất trước, rồi đưa nước vào, nguồn nước cũng phải đi theo hình chữ Z, không để nước tù, làm được như vậy đất sẽ tốt lên”.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra, anh Trung và chị Liễu đã quyết định chọn sản xuất hữu cơ để từ từ hình thành thương hiệu cho sản phẩm của mình. Để giảm chi phí sản xuất, anh Trung đã chủ động học hỏi và tự ủ phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn trái.
Là một nhà nông trẻ, thành công và nhiệt huyết anh Trung rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng với những nông dân ham học hỏi và quan tâm đến sản xuất an toàn, hữu cơ.