Người trồng đào Đất Cảng nỗ lực đưa xuân về

Bình luận · 35 Lượt xem

Bỏ lại sau lưng những vườn đào đã mất trắng, người dân đang có cây còn xanh đang tìm mọi cách để 'hàng phục' những gốc đào cổ thụ, kịp phục vụ dịp Tết.

Vớt vát vụ xuân

Gần 1 tháng sau bão số 3, khoảng 70% diện tích trồng đào, quất và cây cảnh ở xã Đặng Cương bị thiệt hại. Những gốc đào tiền triệu, vốn là nguồn thu lớn, là niềm tự hào giờ trở thành khúc củi khô, không còn giá trị sử dụng.

Vườn đào gần như mất trắng tại cánh đồng thôn Tự Lập, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn đào gần như mất trắng tại cánh đồng thôn Tự Lập, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Đặng Văn Ngọc, trú tại thôn Tri Yếu, xã Đặng Cương là một trong số ít hộ may mắn, khi chỉ có khoảng 100 gốc đào bị thiệt hại nặng, còn khoảng 200 gốc đào có thể ra hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Sau khi cắn răng chặt bỏ và đốt gốc đào cổ thụ trị giá hàng chục triệu đồng, anh Ngọc dồn tâm sức chăm sóc những cây còn lại.

Theo anh Ngọc, khó khăn hiện nay của người dân là nguồn vốn, gốc đào và cây giống để ghép. Thông thường mỗi hộ trồng đào sẽ có vườn cây riêng tự trồng để lấy cành ghép dịp đầu xuân nhưng nay nhiều hộ đã chết sạch.

"Cũng may mà vườn gia đình tôi không bị ngập lụt nên vẫn có thể tái sản xuất. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để chăm sóc những gốc đào còn lại. Có thể sẽ không đẹp được như mọi năm nhưng nhất định sẽ có đào để phục vụ khách dịp Tết", anh Ngọc nói.

Người dân đang kiểm tra tỷ lệ thiệt hại, trước khi quyết định có chặt bỏ hay không. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân đang kiểm tra tỷ lệ thiệt hại, trước khi quyết định có chặt bỏ hay không. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng là một chủ vườn lớn, có “số má” ở xã Đặng Cương, trong cơn bão số 3 vừa qua, anh Nguyễn Văn Công bị mất đến 50% số gốc đào cổ thụ, trong đó có gốc trị giá lên đến 40-50 triệu đồng nhưng những ngày tháng buồn bã cũng đã qua, thay vào đó không khí sản xuất để chuẩn bị cho vụ Tết tất bật trở lại.

Theo anh Công, dù thiệt hại lớn nhưng hiện tại gia đình còn vườn cây trên Mộc Châu (Sơn La), thời gian tới khi thời tiết ổn định sẽ di chuyển về Hải Phòng để bù vào số lượng cây đã chết tại vườn, phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Với những cây còn lại trong vườn, là một người trồng đào đã nhiều năm, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế, sau khi thiên tai đi qua, gia đình anh Công đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để dùng mọi cách cứu vãn và đến nay trong vườn đã có hơn 100 gốc đào có thể ra hoa dịp tết trên tinh thần “còn xanh là còn cứu” và “quyết tâm hàng phục vụ xuân”.

“Đào chết nhiều cũng buồn nhưng thiên tai biết làm sao được, tôi vừa huy động thêm hơn 100 triệu để tập trung hồi phục cho những cây còn lại. Nếu lấy cả vườn gia đình tôi đang trồng trên Mộc Châu về nữa thì thoải mái phục vụ nhu cầu bà con chơi Tết”, anh Công khẳng định.

Anh Nguyễn Văn Công đang tìm mọi cách để những cây đào còn lại có thể ra hoa đúng thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Công đang tìm mọi cách để những cây đào còn lại có thể ra hoa đúng thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Xuân Trưởng - Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, toàn xã có hơn 100ha trồng đào cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán, gần 1 tháng sau bão số 3 có khoảng 70-75% diện tích mất trắng, đến nay đã bị chết, chỉ còn khoảng 15-20% diện tích cây có thể cứu được gốc và chưa đến 10% có thể bán ra thị trường cuối năm nay. Hiện tại, các hộ dân còn đào đang tập trung kỹ thuật, tiền của vào để vớt vát lại vốn liếng, tái đầu tư.

Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân

Để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã tổ chức tập huấn cho người trồng đào ở huyện An Dương, đồng thời mời cả chuyên gia để hướng dẫn người dân các giải pháp hữu hiệu xử lý diện tích cây đào bị ảnh hưởng.

Theo đó, đối với diện tích nhẹ, người dân cần theo dõi sự sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc kịp thời. Sau mưa bão, các cành cây, lá bị va đập, rễ cây bị đứt, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, vi rút tấn công, gây hại, do đó người dân cần chú ý đến bệnh hại.

Đối với diện tích bị ảnh hưởng nhưng vẫn có khả năng hồi phục, người dân tập trung cắt tỉa bớt 30-50% số lá còn lại trên cây, đồng thời cắt bỏ toàn bộ quả. Việc này giúp cây giảm thiểu sự mất nước, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lá còn lại, thúc đẩy quá trình hồi phục.

Xong công đoạn này, khi cây phục hồi, tiến hành tạo tán lại cho cây, đảm bảo cấu trúc thông thoáng và thuận lợi cho sự phát triển. Khi thời tiết thuận lợi, xới phá váng để đất thông thoáng, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển.

Những gốc đào còn sót lại là niềm hi vọng sẽ vớt vát được chút vốn liếng của người trồng đào. Ảnh: Đinh Mười.

Những gốc đào còn sót lại là niềm hi vọng sẽ vớt vát được chút vốn liếng của người trồng đào. Ảnh: Đinh Mười.

Cùng với đó, người dân cần tổ chức bón phân bón lá, phân kích rễ, phân vi sinh, phân hữu cơ giúp cây hồi phục nhanh chóng, ra nhiều cành lá mới. Khi cây bắt đầu ra lá non mới, tiến hành bón bổ sung phân bón hóa học pha loãng, ưu tiên sử dụng N và P hoặc NPK tổng hợp để thúc đẩy quá trình ra rễ và lá mới.

Đối với diện tích bị hỏng hoàn toàn, hiện tại cây đào đã chết, người dân cần tiến hành chặt cây, đào bỏ gốc, thu gom tàn dư và tiêu hủy để tránh lây lan bệnh dịch. Vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho cây trồng mới. Đối với những diện tích đất phù hợp, người dân nên trồng các loại hoa ngắn ngày như cúc, lay ơn, lyly, thược dược, đồng tiền... để tăng thêm nguồn thu nhập.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, UBND thành phố, Sở NN-PTNT, UBND các huyện cần động viên, hỗ trợ các hộ nông dân trong điều kiện có thể. Huy động mọi nguồn lực để giúp các hộ dân khôi phục sản xuất, đồng thời cần đảm bảo hệ thống tưới, tiêu, giao thông thủy lợi tốt tại vùng sản xuất hoa cây cảnh.

Riêng Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nhiệm vụ trọng tâm là sẽ xây dựng mô hình, khuyến cáo về các loại hoa có tiềm năng phát triển tại huyện An Dương. Bên cạnh đó, việc giới thiệu và cung ứng những giống hoa, phân bón chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tốt cũng là ưu tiên hàng đầu.

Chị Phạm Thị Lý xót xa hạ những nhát cuốc để đưa những gốc đào lên khỏi mặt đất, bỏ đi trồng rau. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Phạm Thị Lý xót xa hạ những nhát cuốc để đưa những gốc đào lên khỏi mặt đất, bỏ đi trồng rau. Ảnh: Đinh Mười.

Song song với đó, thông qua việc truyền tải kiến thức về kỹ thuật trồng hoa thông qua các lớp tập huấn hội trường, đầu bờ, cán bộ khuyến nông tại cơ sở sẽ tích cực đồng hành cùng nông dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, đặc biệt là những hộ mới.

Đối với những hộ trồng đào, quất cảnh, việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật là vô cùng quan trọng. Chăm sóc diện tích đào còn lại, vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất và chuẩn bị cây giống trồng lại diện tích bị thiệt hại sau bão là những việc cần ưu tiên hàng đầu.

“Với những diện tích đào đã hỏng thì không thể hồi phục ngay, cần có kế hoạch trồng những cây ngắn ngày bổ sung có nguồn thu trước mắt. Theo dự đoán, trong thời gian tới việc mua các gốc đào sẽ gặp khó khăn và giá cao, chưa tính đến vấn đề pháp lí. Để có thể khôi phục lại vùng sản xuất như trước đây có thể sẽ mất 2 đến 3 năm. Do vậy, chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con các giải pháp phục hồi bền vững”, bà Cao Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho hay.

Toàn huyện An Dương có khoảng 580ha diện tích trồng hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3. Trong đó, 365ha trồng đào, 80ha trồng quất, 135ha trồng các loại hoa cây cảnh khác bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc.

Bình luận