30 năm nuôi lợn đen không tốn một viên thuốc, một liều vacxin

Bình luận · 40 Lượt xem

Con lợn đen mẹ xù lông, miệng kêu hộc hộc, lao xồng xộc về phía người đang giữ con của mình để giải cứu khiến anh Hà Văn Thiếu vội vàng thả ra.

Ai đã từng thưởng thức thịt lợn đen xứ Mường (Hòa Bình) thì nhớ rất lâu vị ngọt, thơm đậm đà của nó. Tôi cũng vậy nên khi được giới thiệu về người nuôi lợn đen thả rông lớn nhất ở mấy xã vùng cao của huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) là anh Hà Văn Thiếu ở xóm Chiến (xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc) liền tìm đến.

Hỏi ra mới hay trước anh lấy vợ, bố mẹ cho ra ở riêng với đôi lợn đen làm giống. Bố mẹ anh xưa cũng được ông bà cho một đôi lợn đen như thế. Con lợn nào già đẻ kém thì loại bỏ, con nào trẻ khỏe, tốt mã thì để lại làm giống.

“Tôi không hiểu biết kỹ thuật mấy nên chẳng đầu tư nuôi được lợn trắng mà chỉ nuôi lợn đen, tức giống lợn ỉ ngày xưa của người Mường. Hơn nữa là tôi thích nuôi và có diện tích đất rộng để thả, chứ ai nuôi nhốt, tuy lợn lớn nhanh hơn nhưng bán lại không được giá vì lắm mỡ người ta không thích. Lợn đen nuôi thả thịt chắc, nạc nhiều, bán được 120 - 130.000đ/kg, còn lợn đen nuôi nhốt tối đa chỉ bán được 70.000đ/kg, bằng giá lợn trắng mà thương lái còn không muốn mua”, anh Thiếu thực thà kể.

Trước đây anh thả lợn khắp các thung, đồi, sáng đi, tối về, hoặc khi nào gặp mưa chúng mới chịu về chuồng. Giờ các thung đồi được trồng quýt, trồng cam, trồng rau, trồng sắn, không thể thả được nữa nên mấy năm trước anh quyết định mua lưới B40 quây lại một khoảnh đồi rộng chừng 3.000m2 của nhà.

Anh có 4 mẹ, 1 lợn bố, mỗi lứa mỗi mẹ sinh sản trung bình được 7 - 8 con, được giữ lại tất để nuôi. Lợn đen được thả rông từ nhỏ, kể cả lợn mẹ đẻ luôn ở trên đồi, tự cắn cây cỏ làm tổ như lợn rừng, được 3 - 4 hôm tự dẫn con về chuồng, chẳng phải đỡ hay cắt dây rốn giống như lợn trắng.

Anh Hà Văn Thiếu bên những con lợn con đen mới sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hà Văn Thiếu bên những con lợn con đen mới sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng dũi đất tìm ăn rễ cây, cỏ dại, giun dế nên chỉ phải bổ sung thêm thức ăn gồm cây khoai, cây môn với ít cám ngô nấu. Vào mùa không còn ngô nữa, anh mua bã cám mỳ để thay thế. Sáng, tối lợn ăn rau với cám nấu như vậy, còn trưa thì ăn cỏ voi hay những phụ phẩm nông nghiệp, hôm nào bận có thể không cho ăn một bữa cũng chẳng sao.

30 năm nay anh nuôi lợn đen mà không bao giờ phải tốn một viên thuốc, một liều vacxin và chưa thấy lợn bị bệnh, chết con nào. Khi 6 - 7 tháng, lợn đạt trọng lượng 10 - 12kg vừa tầm thịt ngon nhất. Lúc nào trong vườn nhà anh cũng có 20 - 30 lợn thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Với giá bán 120.000đ/kg anh lãi được một nửa nên mỗi năm cũng bỏ túi được 60 - 70 triệu đồng, thêm 40 - 50 triệu đồng từ vườn quýt rộng 2.000m2 là đủ của ăn, của để cho một gia đình hai thế hệ gồm 5 khẩu.

Lợn đen bản địa vẫn tồn tại như một “dòng chảy ngầm” ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc như Ngổ Luông, Vân Sơn, Quyết Chiến như vậy. Chúng được nuôi bằng thức ăn tự nhiên gần như hữu cơ nhưng chỉ có điều không được công nhận, không có thương hiệu nên giá bán còn chưa tương xứng với chất lượng thịt.

Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn kể khi dự hội nghị nông nghiệp hữu cơ thế giới ở Ý, được nếm thử miếng thịt từ con lợn hữu cơ nặng 700kg của Mỹ với giá bán cả trăm USD/kg vẫn thấy nó còn thua xa so với con lợn đen xứ Mường.

“Mỗi xóm ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc như Ngổ Luông, Vân Sơn, Quyết Chiến đều có vài hộ nuôi lợn đen quy mô hàng hóa nhưng hầu hết là nuôi nhốt chứ chưa nuôi thả. Nếu có giá bán cao tương xứng với chất lượng thịt thì chắc chắn sẽ có nhiều hộ dành diện tích để nuôi lợn đen kiểu thả ngay”, ông ước ao.      

Bình luận