Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nước ngọt

Bình luận · 31 Lượt xem

Việc triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nước ngọt giúp ngành chăn nuôi thủy sản tạo hiệu quả kinh tế bền vững.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030”, chỉ ra một số bệnh nguy hiểm ở cá nước ngọt, gồm: bệnh TiLV, bệnh nhiễm khuẩn do Streptococcus ở cá rô phi; bệnh xuất huyết mùa xuân (SVC) ở cá chép; bệnh do Herpes virus (KHV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV) ở cá hồi.

Cá rô phi, diêu hồng

Trong giai đoạn 2022 – 2024, kết quả giám sát tác nhân gây bệnh ở khu vực phía Bắc trên đối tượng cá rô phi, diêu hồng cho thấy có lưu hành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đối với kết quả quan trắc định kỳ, tỷ lệ mẫu nhiễm bệnh thấp lần lượt tương ứng vi khuẩn (3,2%), ký sinh trùng (1,6%), TiLV (1,5%) và nấm là 0,5%.

Trong khi đó với các mẫu biểu có biểu hiện bệnh lý điển hình như xuất huyết, lồi mắt, giảm ăn, ruột tích dịch… tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất là vi khuẩn (51%), tiếp đến ký sinh trùng (23%), TiLV (18%) và thấp nhất là nấm 8%. Cá chết xuất hiện rải rác trong năm, tập trung vào tháng 6 – 9.

Trong giai đoạn 2022 – 2024, phát hiện cá rô phi nhiễm TiLV tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Vĩnh Phúc trong thời gian từ tháng 3 - 8. Tuy nhiên không ghi nhận dịch bệnh hay tỷ lệ chết xảy ra khi cá nhiễm TiLV.

Cá truyền thống

Các đối tượng cá truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi… được nuôi trong các mô hình lồng trên sông, hồ chứa, trong ao. Kết quả giám sát trong giai đoạn 2022 – 2024 cho thấy, cá chép và trắm nhiễm tác nhân vi khuẩn có lưu hành tác nhân vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Aeromonas sobria với tỷ lệ nhiễm lần lượt từ 18,56 – 21,94% và 3,23 – 6,59%. Tác nhân KHV phát hiện trên cá chép với tỷ lệ 2,73%. Không phát hiện mẫu cá chép và trắm nhiễm SVC.

Cá nước lạnh

Cá nước lạnh bao gồm 2 đối tượng nuôi chính là cá hồi và cá tầm. Ở khu vực phía Bắc cá được nuôi chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu. Ngoài ra, cá nước lạnh còn được nuôi ở Tây Nguyên.

Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên cá nước lạnh giai đoạn 2023 – 2024 cho thấy, cá tầm và cá hồi nhiễm cả 3 giống vi khuẩn Aeromonas spp, Streptococcus spp và Edwardsiella spp với tỷ lệ nhiễm từ 2 – 36%. Tác nhân vi khuẩn Aeromonas spp có tỷ lệ nhiễm cao nhất trên cá hồi và cá tầm với tỷ lệ nhiễm lần lượt là 36% và 31,3%. Kết quả giám sát cũng cho thấy có lưu hành vi rút IHNV trên cá hồi với tỷ lệ nhiễm 5,6%.

Triển khai kịp thời phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nước ngọt giúp tạo hiệu quả kinh tế bền vững.

Triển khai kịp thời phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nước ngọt giúp tạo hiệu quả kinh tế bền vững.

Giải pháp phòng, chống

Một số biện pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản cần được triển khai kịp thời bao gồm: 

Chất lượng con giống được kiểm dịch chặt chẽ (đặc biệt chú trọng việc kiểm soát nguồn giống nhập khẩu như trứng cá tầm, cá hồi và nguồn giống nhập tiểu ngạch, kiểm soát nhập khẩu cá cảnh…).

Tăng cường quan trắc, giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường vùng nuôi, giám sát tác nhân gây bệnh. Hướng dẫn tuân thủ các quy định điều kiện cơ sở nuôi (nước vào, nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống...).

Tuyên truyền người dân áp dụng các quy trình chăm sóc quản lý tốt ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP).

Tiếp tục chú trọng các nghiên cứu sản xuất vacxin, chế phẩm có nguồn gốc thảo dược để chủ động phòng bệnh, giảm thiểu kháng sinh.

Đối với vùng nuôi cá nước lạnh: tăng cường nghiên cứu áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng thiếu nước (miền Bắc vào thời điểm tháng 2-5 hàng năm). Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học phục vụ nuôi cá nước lạnh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh nhằm hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh.

Bình luận