Tiềm năng sử dụng thực vật chứa saponin làm thuốc BVTV thảo mộc

Bình luận · 47 Lượt xem

Việt Nam có 6 loài thực vật khá phổ biến có chứa hàm lượng saponin cao (bồ hòn, chè, sở, trẩu, thàn mát, bồ kết) có thể dùng để sản xuất thuốc BVTV thảo mộc.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê, Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi), saponin còn gọi là saponosid là một nhóm glycosid lớn, có trong nhiều loài thực vật (cả thực vật hoang dại lẫn gieo trồng). Có hai loại saponin là saponin acid (có mặt chủ yếu trong thực vật gieo trồng) và saponin trung tính (có mặt chủ yếu trong thực vật hoang dại, đặc biệt trong thảo dược).

Thuốc BVTV chứa hoạt chất saponin có nguồn gốc thảo mộc nên thân thiện với môi trường, không để lại dư lượng trong sản phẩm. Ảnh: minh họa. 

Thuốc BVTV chứa hoạt chất saponin có nguồn gốc thảo mộc nên thân thiện với môi trường, không để lại dư lượng trong sản phẩm. Ảnh: minh họa. 

Saponin có vị hắc, đắng nên sử dụng trên cây trồng có thể chống lại côn trùng, vi khuẩn, nấm. Hoạt chất saponin độc, ức chế hô hấp, tiêu hóa đối với động vật, tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây ngán ăn, chết.

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất saponin có nguồn gốc thảo mộc nên thân thiện với môi trường, không để lại dư lượng thuốc trong sản phẩm, sau khi sử dụng bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, hiệu quả diệt trừ sâu hại ngang với thuốc hóa học nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, không gây hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc của sâu bệnh.

Hoạt chất saponin đã được nghiên cứu, sử dụng khá nhiều ở các nước trên thế giới để làm thuốc BVTV thảo mộc. Tuy nhiên ở nước ta, các nghiên cứu về các loài thực vật chứa saponin và ứng dụng hoạt chất saponin làm thuốc BVTV thảo mộc còn khá khiêm tốn, mới chỉ có kết quả nghiên cứu về tách chiết, tạo chế phẩm thảo mộc chứa saponin từ hạt sở, trẩu, thàn mát, bã hạt chè có hiệu quả trừ ốc bươu vàng, tuyến trùng, sâu hại trong đất.

Trong 571 loài thực vật, các nhà khoa học của Viện Hóa học và Viện Bảo vệ thực vật thu hái được, nghiên cứu đều chưa đề cập đến tách chiết hoạt chất saponin và thử nghiệm ứng dụng làm thuốc BVTV thảo mộc.

Bồ kết là một trong những cây trồng có tiềm năng lớn phục vụ sản xuất thuốc BVTV thảo mộc. Ảnh: TQ.

Bồ kết là một trong những cây trồng có tiềm năng lớn phục vụ sản xuất thuốc BVTV thảo mộc. Ảnh: TQ.

Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê, kết quả thu thập số liệu và thống kê tổng hợp của nhóm nghiên cứu cho thấy trong 11.661 loài thực vật ở Việt Nam, có 116 loài chứa saponin. Có 24 loài thực vật chứa saponin đã được dùng để trừ sâu bệnh hại cây trồng theo kinh nghiệm dân gian (6 loài thực vật chứa hàm lượng saponin trên 3% là bồ hòn, chè, sở, trẩu, thàn mát, bồ kết). Bốn loài thực vật chứa saponin đã được nghiên cứu và ứng dụng làm thuốc BVTV thảo mộc là thàn mát, sở, trẩu và chè.

Hàm lượng saponin trong quả bồ hòn từ 16 - 18% và quả bồ kết từ 9 - 11%. Hai loài thực vật này đều khá phổ biến ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam với sản lượng lớn nhưng chưa được nghiên cứu và ứng dụng làm thuốc BVTV thảo mộc.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện có 46 loại thuốc thương phẩm chứa hoạt chất saponin gồm 37 thuốc thương phẩm hoạt chất saponin và 9 thuốc thương phẩm hỗn hợp chứa hoạt chất saponin để phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa, sâu xanh da láng, sâu xanh, sâu tơ, rầy hại cải xanh, cải bắp, rầy chổng cánh, nhện đỏ hại bầu bí, dưa hấu, dưa chuột, cam, quýt, rệp muội, nhện đỏ hại nho...

Trẩu là cây trồng hiện đang được phát triển mạnh ở một số địa phương, có thể phục vụ sản xuất thuốc BVTV thảo mộc. Ảnh: TQ.

Trẩu là cây trồng hiện đang được phát triển mạnh ở một số địa phương, có thể phục vụ sản xuất thuốc BVTV thảo mộc. Ảnh: TQ.

Mặc dù vậy, hiện phần lớn hoạt chất saponin được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan dưới dạng phụ phẩm là bã hạt chè sau ép dầu. Các thuốc BVTV thương phẩm chứa hoạt chất saponin hầu hết phải nhập khẩu hoặc sang chiết đóng gói tại Việt Nam.

Trong khi đó, có 6 loài thực vật khá phổ biến ở nước ta có chứa hàm lượng saponin cao (bồ hòn, chè, sở, trẩu, thàn mát và bồ kết). Do vậy, cần tập trung nghiên cứu chiết tách hoạt chất saponin từ các loài thực vật này để sản xuất chế phẩm BVTV thảo mộc trong nước.

Ngoài ra, để phát triển được sản xuất thuốc BVTV thảo mộc chứa saponin trong nước ở quy mô công nghiệp, cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và các dự án sản xuất thử nghiệm, tăng cường hợp tác quốc tế để có các công nghệ mới nhất đem lại hiệu quả kinh tế, từ đó tạo đà phát triển thuốc BVTV thảo mộc chứa saponin ở Việt Nam.

Bình luận