Chi phí cao, năng suất thấp
Được thành lập năm 2016, Hợp tác xã (HTX) thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) gồm 11 thành viên, có 31ha thanh long.
Thời gian qua, HTX sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, trong đó có hơn 13ha thanh long GlobalGAP, 10ha thanh long hữu cơ, còn lại là thanh long VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các thành viên bên ngoài sản xuất gần 200ha thanh long VietGAP và GlobalGAP.
Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thanh long Thuận Tiến cho biết, hiện HTX tập trung sản xuất thanh long GlobalGAP vì đầu ra tiêu thụ rộng. Mỗi năm HTX thu mua khoảng 300 tấn thanh long đạt chuẩn để xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Mỹ. Hiện nay, HTX ký được hợp đồng với đối tác xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu với giá ổn định 23 ngàn đồng/kg. Đối với thanh long hữu cơ, thời gian qua HTX chưa có thị trường xuất khẩu, chủ yếu tiêu thụ trong nước.
“Thanh long hữu cơ được sản xuất đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được kiểm duyệt chặt chẽ trong mọi khâu sản xuất. Việc sản xuất chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học nên mẫu mã sản phẩm không đẹp bằng thanh long sản xuất thông thường”, ông Trung bày tỏ. Cũng theo ông Trung, sản xuất hữu cơ rất khó vì phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết nên sản phẩm làm ra bị hỏng nhiều. Trung bình 1ha thanh long sản xuất hữu cơ của HTX chỉ cho thu hoạch khoảng 20 tấn/năm, thấp khoảng 30% so với sản xuất thông thường.
Chính vì những khó khăn trên, hiện HTX thanh long Thuận Tiến đang đắn đo trong việc tái cấp chứng nhận thanh long hữu cơ, vì chi phí sản xuất cao nhưng đầu ra hạn hẹp.
Tìm hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hữu cơ
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có 6 tổ chức sản xuất gồm 1 hợp tác xã, 4 công ty, 1 hộ sản xuất với tổng diện tích 123ha thanh long, 4ha trồng nho đã được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, còn có 8ha cây dược liệu đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển nông nghiệp tương đối mới, các tiêu chuẩn sản xuất yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt nên việc nhân rộng hiện nay còn khó khăn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên tuyền, hướng dẫn nông dân sản xuất hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ, từ đó nhân rộng thông qua các HTX và doanh nghiệp tiêu thụ theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp liên kết với HTX sản xuất hữu cơ còn ít, nhất là các mô hình theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, vốn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất tương đối cao như hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, hệ thống đường điện, nhà sơ chế... Điều này cũng một phần khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và các hộ dân sản xuất với diện tích vừa và nhỏ.
Để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng, cũng như nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý.
Cùng với đó, sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu để cho người dân tiếp cận được các kết quả, mô hình phát triển và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thực hiện tốt các chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp; xác định các vùng có tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, các HTX và người dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất.
Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch, đa mục tiêu. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm kết hợp với du lịch nông thôn, nông nghiệp sinh thái. Qua đó, tổng kết bài học thành công để tập huấn, chuyển giao.
Phía ngành nông nghiệp cũng sẽ thực hiện tốt công tác quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ; quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Đồng thời tăng cường quản lý đầu ra của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận và có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, logo sản phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã được chứng nhận...
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 802 ngày 26/4/2023 về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 – 3% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 – 3% tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 2,5 – 3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên đơn vị diện tích cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.