Cách ly để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Bình luận · 43 Lượt xem

Cách ly vẫn phổ biến tại một số trang trại ở tỉnh Sơn La trong công tác chống dịch tả lợn Châu Phi, với bối cảnh còn nhiều nỗi lo về vacxin.

Tại trang trại chăn nuôi hơn 5.000 con lợn ở xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, gia đình anh Nguyễn Công Bắc đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm vacxin phòng bệnh từ lở mồm long móng đến tả lợn truyền thống theo chỉ đạo của cơ quan thú y, với tần suất hai lần mỗi năm.

Tuy nhiên, riêng đối với dịch tả lợn Châu Phi, gia đình anh Bắc vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nên chưa có phương án tiêm phòng chính thức, đối với anh, sức khỏe vật nuôi sau khi tiêm là mấu chốt dẫn đến nỗi lo hiện tại.

Các camera được gắn ở nhiều góc để theo dõi quá trình chăm sóc của đàn lợn. Ảnh: Đức Bình.

Các camera được gắn ở nhiều góc để theo dõi quá trình chăm sóc của đàn lợn. Ảnh: Đức Bình.

Phương pháp mà anh Bắc đang áp dụng chủ yếu là cô lập khu vực nuôi và nhân viên chăm sóc. Các công nhân làm việc tại trang trại phải cách ly tại nhà riêng gần khu vực nuôi ít nhất hai ngày trước khi vào làm việc.

Trước khi vào chuồng trại, họ phải mặc đồ bảo hộ và tuân thủ quy trình khử trùng nghiêm ngặt. Toàn bộ khu vực chuồng trại đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi hoạt động của vật nuôi, đảm bảo mọi tình huống bất thường có thể được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Hàng tháng, các đoàn kiểm tra từ Chi cục Thú y đến tuyên truyền việc tiêm phòng vacxin, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện nguy cơ bùng phát mầm bệnh. Việc kiểm tra này giúp cơ quan chức năng đưa ra bức tranh tổng thể về tình trạng sức khỏe của đàn lợn và sẵn sàng có các biện pháp xử lý nhanh chóng khi có dịch bệnh xuất hiện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La cho biết, hiện nay công tác tiêm phòng vacxin cho dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông chia sẻ: “Tinh thần chung, chúng tôi luôn lắng nghe những đắn đo trong công tác tiêm phòng vacxin tả lợn Châu Phi, phương án cách ly chưa hẳn tối ưu, khi nguồn nước hay không khí vẫn có khả năng lây truyền bệnh".

Tương tự với trang trại lợn nhà anh Bắc, Hợp tác xã nuôi lợn Ít Ong ở huyện Mường La cũng đang áp dụng phương pháp cách ly để phòng chống dịch bệnh. Từ khâu đầu vào, lợn bố mẹ được xét nghiệm kỹ càng để đảm bảo rằng lợn con sinh ra không mang mầm bệnh.

Lợn con sau khi sinh sẽ được đưa vào khu cách ly trong vòng một tháng. Trong thời gian này, người nuôi lợn cũng phải cách ly cùng vật nuôi để đảm bảo mọi biện pháp an toàn được tuân thủ trước khi đưa lợn về chuồng nuôi chính.

Khi có trường hợp lợn chết, kỹ thuật viên của hợp tác xã sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu máu và gửi đến các viện xét nghiệm để loại trừ nguy cơ dịch bệnh. Định kỳ, lợn từ 16-20 tuần tuổi sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm các yếu tố như dư lượng hóa chất bảo quản hoặc kiểm tra mầm bệnh.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Hợp tác xã bộc bạch công tác tiêm phòng vắc xin cho dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn nhiều thách thức. “Chúng tôi chưa có điều kiện thử nghiệm tiêm phòng, việc này cũng khiến chúng tôi lo ngại về các tác dụng phụ tiềm tàng. Vì vậy, phương pháp cách ly và kiểm soát từ khâu đầu vào vẫn là lựa chọn tạm thời.”

Tính đến đấu tháng 10, bệnh tả lợn Châu Phi xảy ra tại 115 lượt tổ, bản của 51 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, bao gồm: Mường La, Vân Hồ, Thành phố Sơn La, Yên Châu, Sông Mã, Bắc Yên, Mai Sơn, Phù Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp, Thuận Châu. Số lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy 2.464 con, tổng khối lượng hơn 98 tấn. Hiện còn 9 xã thuộc 4 huyện có ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Các huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Cụ thể, các huyện đã tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn chết, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi hoàn thiện hồ sơ để nhận hỗ trợ theo quy định pháp luật.

Công tác xử lý ổ dịch được thực hiện dứt điểm trong phạm vi hẹp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và không để phát sinh thêm các hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh.

Bên cạnh các biện pháp khoanh vùng và dập dịch, tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh động vật, lợi ích của việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Bình luận