Liên kết 5.000 hộ dân nuôi heo rừng bao tiêu đầu ra

Bình luận · 23 Lượt xem

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Heo rừng Đồng Tháp hiện liên kết trên 5.000 hộ dân nuôi heo từ miền Trung, Đông Nam bộ đến ĐBSCL để bao tiêu đầu ra.

Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm những hướng đi mới cho ngành chăn nuôi heo tại ĐBSCL, anh Đoàn Phan Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Heo rừng Đồng Tháp nhận thấy tiềm năng phát triển của giống heo rừng lai, đặc biệt trong điều kiện môi trường và tự nhiên tại ĐBSCL. Heo rừng lai có sức đề kháng tốt, ít bệnh, chi phí nuôi thấp và mang lại chất lượng thịt cao, đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên.

Tuy nhiên, để tạo ra một chuỗi giá trị bền vững, anh Dinh đã không chỉ dừng lại ở việc cung cấp con giống mà còn xây dựng một mô hình liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Qua đó, người dân tham gia vào chuỗi liên kết sẽ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra sản phẩm và được đảm bảo lợi nhuận ổn định.

Anh Đoàn Phan Dinh chia sẻ: Mô hình nuôi heo rừng lai không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Công ty áp dụng các phương pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường, không sử dụng kháng sinh. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rau củ, quả, cỏ và các loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo.

Theo anh Dinh, điểm mấu chốt để mô hình thành công là việc liên kết chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm phải luôn đảm bảo “sạch từ chuồng nuôi đến bàn ăn”. Hiện, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Heo rừng Đồng Tháp đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả hợp lý cho bà con tham gia chăn nuôi. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro về giá cả thị trường mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất.

Theo anh Dinh, điểm mấu chốt để mô hình thành công là việc liên kết chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm phải luôn đảm bảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo anh Dinh, điểm mấu chốt để mô hình thành công là việc liên kết chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm phải luôn đảm bảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, Công ty Heo rừng Đồng Tháp đã liên kết trên 5.000 hộ dân nuôi heo từ miền Trung, vùng Đông Nam bộ đến ĐBSCL và còn liên kết 200 chuỗi cửa hàng cung ứng các sản phẩm từ heo rừng lai cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi luôn hướng tới việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi khép kín, tuần hoàn, giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Nước thải từ chuồng trại sẽ được xử lý qua hệ thống sinh học, không gây ô nhiễm ra môi trường, trong khi phân heo có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng”, anh Dinh khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Tám, một hộ chăn nuôi heo rừng lai tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, bày tỏ sự hài lòng về mô hình này: “Từ khi tham gia liên kết với Công ty Heo rừng Đồng Tháp, gia đình tôi không còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi được công ty cung cấp con giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn và đặc biệt là được đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý và giúp người nuôi có lãi”.

Ông Tám cho biết thêm, so với việc chăn nuôi heo trắng thường trước đây, nuôi heo rừng lai có nhiều ưu điểm vượt trội. Heo rừng lai có sức đề kháng tốt hơn, ít bị dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn và chi phí thức ăn thấp, bởi chúng chủ yếu ăn các loại thức ăn tự nhiên, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp đắt đỏ. Thu nhập từ nuôi heo rừng lai giúp gia đình ông cải thiện đời sống đáng kể, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Không chỉ có ông Tám, nhiều hộ dân khác trong khu vực tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang và Bến Tre… cũng nhận thấy lợi ích to lớn từ việc tham gia mô hình này. Họ được đào tạo về cách chăm sóc heo một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh và các hóa chất độc hại, từ đó tạo ra sản phẩm thịt sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Công ty Heo rừng Đồng Tháp đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả hợp lý cho bà con tham gia chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công ty Heo rừng Đồng Tháp đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả hợp lý cho bà con tham gia chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, mô hình chăn nuôi heo rừng lai theo hướng liên kết chuỗi của Công ty Heo rừng Đồng Tháp, không chỉ giúp gia tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững của địa phương và mở rộng ra nhiều tỉnh thành cả nước.

“Việc ứng dụng các giải pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và hóa chất không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp luôn tạo điều kiện thuận lợi để mô hình này được nhân rộng, trở thành một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh”, ông Võ Bé Hiền kỳ vọng.

Kinh tế xanh, liên kết chuỗi trong chăn nuôi heo rừng lai, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kinh tế xanh, liên kết chuỗi trong chăn nuôi heo rừng lai, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho rằng: Mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi heo rừng lai là một giải pháp kinh tế hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chăn nuôi truyền thống gặp nhiều khó khăn do biến động về giá cả và dịch bệnh. Huyện đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tham gia mô hình, từ việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, kỹ thuật chăn nuôi cho đến các chương trình bảo vệ môi trường.

Mô hình kinh tế xanh, liên kết chuỗi trong chăn nuôi heo rừng lai do anh Đoàn Phan Dinh triển khai đang dần chứng minh hiệu quả tại ĐBSCL và các khu vực khác. Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong tương lai.

Sự kết hợp giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương trong mô hình này đã tạo ra một chuỗi giá trị bền vững, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành chăn nuôi ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và Đông Nam bộ.

Bình luận