Cây mít ruột đỏ bén duyên vùng đất Vĩnh Long

Bình luận · 222 Lượt xem

Thu nhập từ mít ruột đỏ không kém cạnh cây sầu riêng nhưng chi phí đầu tư, chăm sóc nhẹ hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn.

Mít ruột đỏ loại lá bầu, hay còn gọi là mít ruột đỏ “in-đô”, mít ruột đỏ sơ vàng đang là cây trồng "hot" ở ấp 7, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long bởi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo chia sẻ từ ông Lưu Văn Chính, Giám đốc HTX Thanh long Hậu Lộc, năm 2022 giá mít ruột đỏ dao động trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá mít ruột đỏ cao nhất đến hơn 100.000 đồng/kg.

Mít ruột đỏ lá bầu hay mít in-đô đang có giá trung bình 90.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Mít ruột đỏ lá bầu hay mít in-đô đang có giá trung bình 90.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tại, giá mít trọng lượng từ 8 - 10 kg/trái trở lên đạt 95.000 đồng/kg; mít trọng lượng từ 6 - 8kg/trái có giá 90.000 đồng/kg; mít chợ đang có giá 80.000 đồng/kg. Bình quân, thương lái mua xô tại vườn với giá 90.000 đồng/kg. Mỗi trái mít được bán ra thời điểm này đang mang về cho bà con hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm trái cây ĐBSCL vào mùa, từ tháng 4 - 6 âm lịch, giá mít cũng rơi xuống mức thấp, giá mua xô từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Mít ruột đỏ dễ trồng, ít bệnh hơn mít Thái, từ ngày đặt cây xuống đất đến khi thu hoạch ổn định chỉ mất chừng 18 tháng. Cây trưởng thành cho hơn 10 trái/cây, trọng lượng trái khá cao, trung bình từ 8 - 15 kg/trái. Bà con trồng thâm canh khoảng 60 cây/công (1.000m2), năng suất khoảng 30 tấn/công. Với diễn biến thị trường như thời gian qua, trừ hết chi phí mỗi ha mít ruột đỏ mang về khoảng 1 tỷ đồng.

Cũng như sầu riêng, quả mít ruột đỏ được ưa chuộng tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc. Thị trường rộng, đầu ra khá ổn định nên mít ruột đỏ rất được bà con nông dân quan tâm, tìm hiểu đầu tư. Ông Lưu Văn Chính nói, năm 2019 khi mít ruột đỏ bén duyên ở vùng đất này diện tích mới được 4ha. Thấy mít hiệu quả cao, bà con trong HTX lần lượt chuyển đổi sản xuất từ thanh long sang trồng mít ruột đỏ.

Bình quân, mỗi ha mít ruột đỏ sau khi trừ chi phí cho thu nhập đến 1 tỷ đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Bình quân, mỗi ha mít ruột đỏ sau khi trừ chi phí cho thu nhập đến 1 tỷ đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Trần Thị Mười, ở ấp 7 xã Hậu Lộc vừa lên liếp trồng 130 cây mít trên diện tích 2.000m2 nhận xét: Chi phí đầu tư trồng mít cũng thấp, tiền lên liếp 7 triệu đồng, giống 35.000 - 40.000 đồng/cây. Sau hơn 6 tháng bà đầu tư 3 bao phân và một số lần phun xịt thuốc trừ ăn lá, sâu đục thân. Bà Mười hi vọng, năm sau mít mang về thu nhập khá hơn so với trồng lúa.

Đến nay, diện tích cây mít ruột đỏ ở Hậu Lộc đã phát triển lên đến 80ha, diện tích cho trái là 30ha. Được sự quan tâm của chính quyền và ngành chức năng huyện Tam Bình, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu mít ruột đỏ với diện tích 30,2ha của 36 hộ dân. Vùng nguyên liệu này đã được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm mít ruột đỏ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

Để sản xuất mít hiệu quả, ông Lưu Văn Chính cho rằng: “Để tránh ùn ứ cần phải xử lý để mít ra hoa, cho trái rải vụ; cần “né” thời điểm trái cây vào mùa nên để trái vào các tháng từ tháng 7 âm lịch năm trước đến khoản tháng 3 năm sau, sau đó dưỡng cây”.

Mít ruột đỏ dễ trồng, năng suất cao thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Mít ruột đỏ dễ trồng, năng suất cao thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Lộc cho hay, để hỗ trợ người trồng mít, Hội tham mưu UBND xã phối hợp phòng NN-PTNT hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Đối với HTX, Hội đề nghị hỗ trợ phương tiện sản xuất cho HTX hoạt động mạnh hơn. Bên cạnh xây dựng mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu này còn thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sắp tới sẽ phấn đấu nâng hạng sản phẩm OCOP lên 4 sao.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, huyện Tam Bình tăng cường vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên đất trồng lúa được trên 2.300ha, nâng diện tích cây ăn trái đạt 9.983ha. Đối với cây ăn trái, huyện có các vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu: Mít ruột đỏ với diện tích 30,2ha của 36 hộ ở xã Hậu Lộc xuất khẩu thị trường Trung Quốc; bưởi có diện tích 10ha của 24 hộ tại xã Hòa Hiệp xuất khẩu thị trường EU; chanh không hạt có diện tích 10,2ha của 12 hộ tại xã Ngãi Tứ xuất khẩu thị trường EU, Anh…

Hiện nay, cây mít ruột đỏ không chỉ phát triển mạnh ở vùng đất Hậu Lộc của Tam Bình mà con lan rộng ra các địa phương lân cận và một số huyện khác như Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân.

Trước những ảnh hưởng bất lợi của thiên tai và biến động thị trường, ngành trồng trọt ở tỉnh Vĩnh Long được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị, chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thống kê 9 tháng năm 2023, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt 69.260ha, tăng 2.793ha so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 846.000 tấn, tăng trên 73.000 tấn. Toàn tỉnh có 168 cơ sở được cấp 184 mã số vùng trồng còn hiệu lực.

Bình luận