Chăn nuôi nhân đạo vì tương lai nhân văn hơn cho ngành thực phẩm

Bình luận · 41 Lượt xem

Chăn nuôi đảm bảo phúc lợi động vật không chỉ là việc hoàn thành các cam kết của doanh nghiệp, mà còn góp phần xây dựng tương lai nhân văn hơn cho ngành thực phẩm

Ngày 15/10 tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổ chức quốc tế về Phúc lợi động vật (HSI) tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp phúc lợi động vật tại Việt Nam. Sự kiện là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ thảo luận về cách cải thiện phúc lợi động vật nuôi.

Tại sự kiện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và HSI đã thảo luận những thông tin, giải pháp phát triển và nhân rộng chương trình phúc lợi đối với động vật nuôi, triển khai chăn nuôi trứng sạch, kết nối hình thành chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp.

Theo bà Thắm Thị Hồng Phượng - Giám đốc Quốc gia của HSI/Vietnam, chăn nuôi đáp ứng phúc lợi động vật không chỉ là việc hoàn thành các cam kết của doanh nghiệp, mà còn góp phần xây dựng tương lai nhân văn hơn cho ngành thực phẩm. Ảnh: Phi Yến.

Theo bà Thắm Thị Hồng Phượng - Giám đốc Quốc gia của HSI/Vietnam, chăn nuôi đáp ứng phúc lợi động vật không chỉ là việc hoàn thành các cam kết của doanh nghiệp, mà còn góp phần xây dựng tương lai nhân văn hơn cho ngành thực phẩm. Ảnh: Phi Yến.

Hiện nay, ngành chăn nuôi đã phát triển rất mạnh mẽ, trong đó việc thúc đẩy chăn nuôi đảm bảo phúc lợi động vật vô cùng quan trọng. Để đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho động vật nuôi, người chăn nuôi cần phải thực hiện tốt “5 không” (Five Freedoms): Không bị đói khát; không bị đau đớn, tổn thương, bệnh tật; không bị khó chịu (thể chất); không bị sợ hãi và căng thẳng (tinh thần); không bị hạn chế các tập tính tự nhiên (tự nhiên).

Bàn về độ phủ sóng của trứng gà Case free, bà Lê Thị Hằng - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của HSI chia sẻ: Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng về phúc lợi động vật tăng lên đáng kể, khách hàng luôn yêu cầu sự minh bạch từ các hệ thống chăn nuôi có đạo đức, từ đó dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ của mô hình này và Việt Nam đang ở vị trí tốt để dẫn đầu Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chi phí chăn nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo cao hơn so với chăn nuôi thông thường do số lượng gà đẻ ít, dẫn đến giá thành tăng cao so với sản phẩm trứng gà nuôi theo trang trại phổ thông. Nếu không có cách tiếp cận phù hợp với người tiêu dùng, trứng gà được nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo sẽ khó được ưu tiên trong danh mục lựa chọn của khách hàng.

Do đó, để phát triển được mô hình trứng sạch và tiếp cận rộng rãi hơn tới người tiêu dùng trên cả nước, người chăn nuôi cần phải khẳng định được lợi ích khác biệt của trứng gà Cage free và chia sẻ được câu chuyện chăn nuôi nhân đạo phía sau của mô hình, giúp người tiêu dùng hiểu thấu đáo giá trị thực sự của sản phẩm. 

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới vấn đề phúc lợi động vật trong chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới vấn đề phúc lợi động vật trong chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp thành công với mô hình trứng sạch. Ông Trương Chí Cường, Phó Giám đốc Vĩnh Thành Đạt (V.Food) chia sẻ: "Bằng cách chuyển đổi sang sản xuất trứng sạch, chúng tôi không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu mà còn nâng cao tiêu chuẩn phúc lợi động vật tại Việt Nam. V.Food đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất trứng sạch và dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm trứng sạch dạng lỏng trong những tháng tới".

Hiện nay, chăn nuôi công nghiệp hiện đại đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, bên cạnh lợi ích kinh tế của người chăn nuôi phải đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi.

Để ngành chăn nuôi phát triển hơn và hội nhập được với thế giới, cần phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu.

Bình luận