Chủ tịch nước: Bắc Giang phải coi trọng bảo vệ rừng

Bình luận · 203 Lượt xem

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, Bắc Giang phải hết sức coi trọng bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ các dòng sông.

 

Từ tỉnh thuần nông, Bắc Giang trở thành điểm sáng của cả nước

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang vinh dự và tự hào 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Các chuyến thăm ấy diễn ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều thể hiện tình cảm yêu quý, sự quan tâm của Người đối với đồng bào, đồng chí tỉnh Bắc Giang. Người đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Giang nhiều thế hệ những kỷ niệm sâu sắc.

 

Đặc biệt, ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân và dự chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang theo Nghị quyết Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 5 ngày 27/10/1962).

 

Tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang luôn khắc ghi, thực hiện tốt lời dạy của Bác. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh Bắc Giang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng; hăng hái thi đua, vừa chiến đấu vừa sản xuất; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác, vận dụng sáng tạo vào các chủ trương, định hướng xây dựng phát triển địa phương, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

 

Từ một tỉnh thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Giang đã vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn nằm trong top 10 cả nước. Bắc Giang đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn, hiện đại trong vùng và cả nước.

 

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh. 

 

Bắc Giang đang dần trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phát biểu, khẳng định Bắc Giang - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và lịch sử; nơi ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong chống giặc ngoại xâm, gắn liền với các địa danh lịch sử như Ải Nội Bàng, Cần Trạm, Xương Giang, Yên Thế; nơi xây dựng an toàn khu II trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang vinh dự, tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Trong các chuyến thăm ấy Bác đã ân cần chỉ bảo Đảng bộ và Nhân dân Bắc Giang phải đoàn kết một lòng, nâng cao tinh thần làm chủ, phát triển sản xuất, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

 

Tình cảm yêu thương, sự quan tâm và những lời chỉ dạy của Bác Hồ đối với Bắc Giang đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ dân và quân tỉnh nhà đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành được nhiều thành tích to lớn.

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, 60 năm qua thực hiện lời Bác dạy, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đóng góp nhiều sức người, sức của, chi viện cho tiền tuyến, vừa hăng hái sản xuất, vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng quân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

"Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, xuất khẩu luôn duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Bắc Giang đang dần trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

 

Cùng với đó, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung giá trị kinh tế cao, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới dẫn đầu vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, với gần 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu ra 6 vấn đề, gợi ý để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang triển khai trong thời gian tới.

 

Một trong 6 vấn đề mà Chủ tịch nước nêu ra là mỗi cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang hãy luôn ghi nhớ, thấm nhuần những lời dạy của Bác khi Người về thăm tỉnh nhà; thấu hiểu hơn ân tình sâu nặng mà Bác dành cho đồng bào, đồng chí tỉnh Bắc Giang để quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong cụ thể hóa lời dạy của Bác cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế của tỉnh, gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025; trở thành một tỉnh “ngày càng giàu có, nhân dân ngày thêm ấm no” như Bác mong muốn.

 

Chủ tịch nước lưu ý Bắc Giang là tỉnh có diện tích rừng và vùng cây ăn quả lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, có 3 con sông nằm trong hệ thống sông Thái Bình chảy qua. Vì thế, phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, coi trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ các dòng sông. 

 

"Phải xác định đây là vấn đề sống còn đối với phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những dự án, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hành động, việc làm của chúng ta hôm nay trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên là của để dành cho con cháu mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.

 

Thảo Phương

Bình luận