Dấu ấn khoa học công nghệ vào thành tựu ngành thủy sản

Bình luận · 49 Lượt xem

Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là ‘chìa khóa vàng’ không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường…

Nâng cao năng suất, chất lượng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật

Chiều 13/10, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam luôn đứng top 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Để đạt thành công đó, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là "chìa khóa vàng" giúp ngành thủy sản ngày một phát triển, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ NN - PTNT nhận định, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong cả năm 2024.

Tuy nhiên để đạt mục tiêu trên, theo ông Hoàng Văn Hồng ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thì việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua hoạt động khuyến nông là thực sự cần thiết.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KS.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KS.

Đặc biệt sau bão số 3, các tỉnh phía Bắc càng khẳng định được vai trò của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khi lồng bè gỗ, phao xốp nhựa truyền thống, ao hồ thiết kế không phù hợp đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Tuy nhiên những lồng bè nuôi sử dụng công nghệ lồng HDPE, lắp đặt theo thiết kế và tư vấn của các chuyên gia đã cho thấy hiệu quả rõ rệt nên thiệt hại rất thấp.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, giai đoạn 2019 - 2024, có 68 dự án khuyến nông Trung ương triển khai trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực khuyến ngư, trong đó 63 tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất.

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%; thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

15 tiến bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III

Theo TS Nguyễn Thành Nhơn, Trưởng phòng Khoa học, Hợp tác quốc tế và Đào tạo (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III), giai đoạn 2014 - 2024, Viện đã có 15 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó có 3 tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống; 8 tiến bộ kỹ thuật về công nghệ nuôi thương phẩm và 4 tiến bộ kỹ thuật về bệnh thủy sản.

Cụ thể như quy trình ương tôm hùm giống trong lồng; quy trình sản xuất giống cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii) và cá tầm Xiberi (A. baerii); quy trình sản xuất giống và nuôi giun cát (giun nhiều tơ) Perinereis nuntia var. brevicirris; quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm sá sùng (Sipunculus nudus) trong ao đất.

Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; quy trình nuôi thương phẩm cá chẽm Lates calcarifer (Bloch, 1790) trong lồng sử dụng thức ăn công nghiệp; quy trình nuôi thương phẩm cá chẽm Lates calcarifer (Bloch, 1790) trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp.

Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát (Holothura scabra) trong ao; quy trình nuôi thương phẩm cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii) và cá tầm Xiberi (A. baerii) trong bể; quy trình nuôi thương phẩm cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii) và cá tầm Xiberi (A. baerii) trong lồng; quy trình nuôi thương phẩm cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) trong bể; giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và đỏ thân ở tôm hùm nuôi lồng hiệu quả.

Quy trình kiểm soát Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei); quy trình kiểm soát Vibrio alginolyticus gây bệnh đỏ thân trên tôm hùm (Panulirus spp.) nuôi lồng; quy trình kiểm soát Rickettsia like bacteria (RLB) gây bệnh sữa trên tôm hùm (Panulirus spp.) nuôi lồng.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi để sản xuất hiệu quả. Ảnh: KS.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi để sản xuất hiệu quả. Ảnh: KS.

Theo TS Nguyễn Thành Nhơn, những tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận thời gian qua đã và đang được ứng dụng rộng rãi, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong nuôi trồng thủy sản như bệnh trên tôm hùm, tôm nước lợ; công nghệ nuôi thương phẩm cá biển, cá nước lạnh; vấn đề môi trường nuôi... Tuy nhiên, số lượng tiến bộ kỹ thuật được công nhận chưa tương xứng các nghiên cứu, số lượng quy trình mà Viện đã tạo ra.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy, phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) chuyên sản xuất giống cá biển các loại cho biết, đối với nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III như nuôi luân trùng, cấy tảo, đặc biệt tiếp cận kỹ thuật sản xuất cá mú Trân Châu với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu người nuôi trong và ngoài tỉnh... đã được ứng dụng vào sản xuất.

“Các quy trình công nghệ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giúp doanh nghiệp chúng tôi sản xuất con giống hiệu quả, nâng cao tỷ lệ sống và đảm bảo chất lượng con giống tốt hơn, đáp ứng tốt cho người nuôi”, ông Hà khẳng định.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III ký kết ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ với doanh nghiệp. Ảnh: KS.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III ký kết ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ với doanh nghiệp. Ảnh: KS.

Theo PGS. TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, để tiến bộ kỹ thuật đi vào sản xuất thì trách nhiệm nhà khoa học phải chuyển đổi ngôn ngữ khoa học thành ngôn ngữ để nông dân dễ hiểu, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần quan tâm đến doanh nghiệp và nông dân cần gì để chuyển giao nhu cầu theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III hiện rất chú trọng trong công tác chuyển giao này để các tiến bộ kỹ thuật đi vào sản xuất, giúp các doanh nghiệp, nông dân sản xuất hiệu quả.

Tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Dịch vụ và Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy; Công ty TNHH SYAQUA-AND; Công ty TNHH MTV Nông lâm Việt; Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương và Công ty Cổ phần Thủy sản sinh học Vina.

Bình luận