'Hồi sức' cho cây ăn quả bị ngập úng

Bình luận · 26 Lượt xem

Người dân Hưng Yên đang khẩn trương áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để khắc phục những diện tích cây ăn quả bị ngập nước.

Ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên, trên khắp các vườn trồng cây ăn quả, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương chăm sóc, khôi phục lại những diện tích bị ảnh hưởng trong đợt bão, lũ vừa qua.

Theo ông Hà Văn Hiển (thôn Kệ Châu 2, xã Phú Cường, huyện Kim Động), mặc dù đã triển khai các biện pháp khôi phục vườn bưởi nhưng vẫn còn nỗi lo bùng phát bệnh, chết cây. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Hà Văn Hiển (thôn Kệ Châu 2, xã Phú Cường, huyện Kim Động), mặc dù đã triển khai các biện pháp khôi phục vườn bưởi nhưng vẫn còn nỗi lo bùng phát bệnh, chết cây. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hà Văn Hiển ở thôn Kệ Châu 2, xã Phú Cường (huyện Kim Động) chia sẻ, đợt bão, ngập úng vừa qua làm 5 sào bưởi Diễn của gia đình chỉ còn lác đác vài quả trên cây. Một số cây bị ngâm trong nước lâu ngày bắt đầu có biểu hiện vàng lá. Gia đình đã tận thu những quả đến thời điểm thu hoạch, vun gốc cho cây bị long gốc; dùng vôi bột, các loại thuốc trừ nấm để xử lý đất nhằm hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh... 

“Mất lứa quả này có thể gỡ lại ở lứa quả sau, nhưng để mất cây, phải trồng lại thì các hộ sẽ thiệt đơn, thiệt kép. Mối lo lớn nhất hiện tại là bệnh thối rễ dễ phát triển mạnh, nguy cơ cây chết hàng loạt vẫn cao nếu không kiểm soát tốt tuyến trùng, nấm gây bệnh. Mặc dù các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn biện pháp chăm sóc nhưng gia đình vẫn rất lo lắng ”, ông Hiển cho hay.

Tại huyện Khoái Châu, người dân cũng đang tất bật chăm sóc các diện tích nhãn bị ảnh hưởng do ngập nước với hi vọng giữ được cây để gỡ gạc ở những vụ sau.

Ông Nguyễn Đăng Đảo, thôn An Cảnh, xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) cho biết, trận lũ lịch sử vừa qua đã khiến toàn bộ 80 gốc nhãn của gia đình chìm trong nước gần 1 tuần. Thật may mắn khi nước rút, toàn bộ số cây vẫn an toàn. Tuy nhiên, thời gian bộ rễ bị ngập lâu trong nước khiến việc sinh trưởng, phát triển của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Đảo đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ vườn nhãn, mang theo hi vọng sang năm sẽ được thu. Ảnh: Trung Quân.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Đảo đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ vườn nhãn, mang theo hi vọng sang năm sẽ được thu. Ảnh: Trung Quân.

Thời điểm trước khi bị ngập, gia đình đã bón phân cho toàn bộ số chuối trồng xen nên rễ tôm (cách gọi của người dân địa phương) của nhãn theo đó lao lên hấp thụ dinh dưỡng. Khi gặp nước, toàn bộ hệ thống rễ này bị chết, làm gián đoạn việc lấy dinh dưỡng và nước cho cây. Khi lũ rút, gia đình đã nhanh chóng “hồi sức” cho vườn nhãn bằng cách xới xáo đất, bón bổ sung phân, ngô, đỗ nghiền nát, ủ mục để bổ sung dinh dưỡng.

“Thông thường, thời điểm này nhãn đã phải ra lộc thu để bước vào dịp Tết mới có thể ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, những vườn bị ngập trong thời gian dài qua quan sát thấy việc ra lộc rất hạn chế. Nếu tình trạng này không được cải thiện, nguy cơ sang năm tỷ lệ đậu quả sẽ rất thấp, thậm chí có đậu quả cũng nên vặt đi để cây giữ sức”, ông Đảo chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hưng Yên) cho biết, để kịp thời bảo vệ và khôi phục sản xuất, ngay sau bão, Sở NN-PTNT đã ban hành hướng dẫn các biện pháp khắc phục sản xuất trồng trọt. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân đối với cây ăn quả bị ngập, căn cứ vào tình hình thực tế có thể áp dụng quy trình kỹ thuật phục hồi theo 4 bước do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành:

Ngay sau bão, Sở NN-PTNT Hưng Yên đã ban hành hướng dẫn các biện pháp khắc phục sản xuất trồng trọt để người dân kịp thời áp dụng. Ảnh: Trung Quân.

Ngay sau bão, Sở NN-PTNT Hưng Yên đã ban hành hướng dẫn các biện pháp khắc phục sản xuất trồng trọt để người dân kịp thời áp dụng. Ảnh: Trung Quân.

Bước 1: Vệ sinh vườn, loại bỏ rác bám trên cây để tránh tổn thương và nguồn bệnh. Rửa bùn bám trên lá để tăng khả năng quang hợp, cắt bỏ cảnh gãy/bị tổn thương.

Bước 2: Xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây (độ sâu 5 - 10cm) để rễ cây có thể hút được oxy, dùng vôi bột để rắc, phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Fosetyl Aluminium hoặc Metalaxyl + Mancozeb hoặc Dimethomorph, sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ mới cho cây ăn quả với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Bước 3: Sau khoảng 7 - 10 ngày, để tăng cường khả năng phục hồi của cây, cần bón bổ sung phân chuồng hoai mục + chế phẩm sinh học (Trichoderma) hoặc phân hữu cơ vi sinh theo hình chiếu tán cây giúp cây phát triển rễ tơ mới.

Bước 4: Khi bộ rễ tơ bắt đầu hồi phục, kiểm tra thấy có rễ tơ xuất hiện thì bón phân NPK tổng hợp cân đối, đồng thời có thể phun bổ sung phân bón lá giúp tăng khả năng phục hồi của cây. Kết hợp tủ gốc cây bằng rơm rạ mục hoặc vật liệu che phủ (cách gốc 30 - 50cm), tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, hanh khô, tránh tình trạng cây bị mất nước.

 

 

Bình luận