Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Thu hút “đại bàng” nhưng đừng quên “chim sẻ”

Bình luận · 192 Lượt xem

Các địa phương thu hút đầu tư khi quan tâm “đại bàng” thì cũng đừng quên những con “chim sẻ”, hợp tác xã, những hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần cơ chế đủ mạnh

 

Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức chiều 28/6.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,…

 

Theo ông Phạm Tấn Công, những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

 

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.

Đánh giá về những kết quả trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua, ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An nhìn nhận, trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có tiến triển, song vẫn còn thiếu yếu tố bền vững, chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao.

 

Ngoài ra, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.

 

Do vậy, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng phát triển hiện nay.

 

Bên cạnh đó, ông Đoàn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nông nghiệp, kinh tế nông thôn hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới, cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách đáp ứng bối cảnh mới.

 

Cụ thể, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Việc loại bỏ thuế suất với các mặt hàng nông sản chế biến sẽ khuyến khích công nghiệp thực phẩm đầu tư sản xuất các mặt hàng cho thị trường này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến. Các FTA được ký kết vừa tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới vừa tạo ra thách thức mới cho nông sản Việt Nam nhất là nông sản hữu cơ và nông sản sạch.

 

“Do vậy, cần thiết có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp đảm bảo có thể chủ động, đủ khả năng hòa nhập khi các FTA được thực thi đầy đủ”, ông Đạt nhấn mạnh.

 

Định hướng thu hút đầu tư vào nông nghiệp

 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Long An đã tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện, lan toả là cơ hội lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản.

 

Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện nay, thế giới đang tiếp cận khái niệm về nền kinh tế bao trùm, tư duy phát triển để thay thế tư duy tăng trưởng. Nếu không giải quyết được bài toán hài hòa giữa các bên thì sẽ không có bền vững. Doanh nghiệp sẽ lún sâu vào con đường đầy khó khăn.

 

“Doanh nghiệp cần lợi nhuận, nhưng nếu nói đó là mục tiêu nhất thiết đạt được thì không phải mà phải là tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và đạt được lợi ích lợi nhuận thông qua đó”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương khi quan tâm thu hút “đại bàng” thì cũng đừng quên những con “chim sẻ”, hợp tác xã, những hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần nâng cánh “chim sẻ” để tạo hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tổng thể.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn hiểu nông nghiệp bền vững là gì, trước hết phải biết “nông nghiệp là gì?”. Ông cho rằng, nông nghiệp hiện nay không phải là đơn giá trị mà phải tích hợp đa giá trị và những khái niệm về nông nghiệp gần đây đã được mở rộng rất nhiều như: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp điện quang, nông nghiệp du lịch... Đồng thời, xem đó là một nền kinh tế mới, một giá trị rộng hơn, sâu hơn trước.

 

“Để làm được điều này các doanh nghiệp phải đi cùng nhau, tìm kiếm thêm nhiều hướng đi, ứng dụng công nghệ để tạo ra các giá trị mới, tạo ra giá trị tuần hoàn trong chuỗi mang lại giá trị cao gấp nhiều lần”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bình luận