Ngành nông nghiệp tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt

Bình luận · 36 Lượt xem

Năm 2024, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là năm phải tăng tốc để góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025; trong đó có nhiều nội dung lớn với mục tiêu cao cần đạt trong xây

Nhờ xác định rõ nhiệm vụ và chủ động triển khai ngay từ đầu năm, đến hết quý III-2024, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã đạt và vượt nhiều mục tiêu lớn đặt ra cho cả năm.

Giữ đà tăng trưởng cao

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng đối mặt nhiều thách thức như như: giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao; thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu không thuận lợi...

Nhờ sự chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ cao; hình thành những vùng chuyên canh sản xuất sạch với những cây trồng có hiệu quả kinh tế..., suốt thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Nai vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trên tất cả các lĩnh vực với nhiều cái “nhất”.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,94%, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 9,64% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh.

Trong xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục giữ vị trí tốp đầu cả nước; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số sản phẩm OCOP. Đặc biệt, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 170 ngàn hécta, tăng hơn 390 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là các cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như: chuối, sầu riêng, mít...

Tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 78,3 ngàn hécta, là nhóm cây trồng thuộc tốp đầu cho lợi nhuận tốt. Chỉ tính riêng tổng sản lượng xuất khẩu 2 sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh là chuối và sầu riêng đã đạt 168,5 ngàn tấn, giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tiếp tục giữ đà tăng trưởng này, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy đạt gần 24,5 ngàn tỷ đồng, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 22,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,34%. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt.

Theo Phó chủ tịch UBND Võ Văn Phi, các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi lớn diện mạo vùng nông thôn. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn ở các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt cao. Các tiêu chí về môi trường được thực hiện tốt nhờ duy trì thường xuyên.

Vượt mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới

Hội đồng Thẩm định NTM tỉnh vừa tổ chức xét, công nhận các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đợt 2-2024. Trong đợt này, toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao gồm: Lộ 25 (huyện Thống Nhất), Giang Điền (huyện Trảng Bom), Phú Lập và Núi Tượng (huyện Tân Phú).

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 110/120 xã NTM cao, 30/120 xã NTM kiểu mẫu, 65 khu dân cư kiểu mẫu. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có thêm nhiều địa phương sẽ trình hồ sơ đề nghị công nhận thêm xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Về huyện NTM nâng cao, toàn tỉnh đã có 4 huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu trình UBND tỉnh hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, 2 huyện Định Quán và Thống Nhất đã được đánh giá hoàn thành.

Như vậy, kết quả xây dựng NTM của tỉnh đến nay đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Vì theo Nghị quyết Tỉnh ủy xác định mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 4 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu, 2 huyện NTM nâng cao. UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành NTM nâng cao, 23 khu dân cư kiểu mẫu.

Điều ấn tượng là các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024 đa số là các xã vùng sâu, vùng xa với xuất phát điểm thấp nhưng lại nỗ lực về đích sớm. Các xã không chỉ tập trung vào phát triển sản xuất, mà chọn kiểu mẫu về y tế, chuyển đổi số gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM để phát triển kinh tế nông thôn, kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu.
Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Nổi bật nhất là các địa phương tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng nông thôn. Cụ thể, xã Phú Tân đã đầu tư được 13 tuyến đường xã với chiều dài hơn 19km; 7 tuyến đường ấp, liên ấp và đường ngõ xóm với tổng chiều dài gần 8km được nhựa hóa, bê tông hóa, có các hạng mục cần thiết theo quy định và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt 100%. Hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và các quy định hiện hành. Số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn xã đạt tỷ lệ 100%. 100% trường học các cấp trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, trong đó có một trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

Nhiều xã vùng sâu xây dựng NTM kiểu mẫu chọn nội dung chuyển đổi số như: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số. Cụ thể, thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, kết quả xử lý hồ sơ đúng hạn. Trên địa bàn các xã đều triển khai hệ thống camera giám sát an ninh hoặc camera AI phục vụ giám sát an ninh trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, “điểm đen” về tai nạn giao thông, trật tự xã hội. Có hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ. Các xã trên đều đã trang bị hệ thống camera hội nghị  họp trực tuyến có thể sử dụng kết hợp với các phần mềm họp trực tuyến như: Zoom, MS Teams... Các địa phương cũng tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các ứng dụng, dịch vụ thanh toán điện, thanh toán không dùng tiền mặt... đến người dân trên địa bàn xã.

Chuyển đổi số còn được nông dân ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh như: chuối, sầu riêng, xoài, thanh long... đã ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc và được bán qua kênh thương mại điện tử, được quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Theo đó, trên địa bàn tỉnh không thiếu những xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà người dân ở các huyện miền núi, vùng sâu có thu nhập cao như: thu nhập của người dân nông thôn xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) đạt 110 triệu đồng/người/năm; xã Phú Tân (huyện Định Quán) đạt trên 90 triệu đồng/người/năm; xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đạt hơn 88,8 triệu đồng/người/năm.

Bình Nguyên

Bình luận