Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
Theo kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030", Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 2.275ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn nhằm nâng tổng diện tích rừng trồng sản xuất lên 5.844ha vào năm 2030. Ngoài ra, địa phương đang quản lý khoảng 497.235,2ha đất có rừng, bao gồm 411.930,9ha rừng tự nhiên và 85.304,3ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Đắk Lắk đạt 38,04%.
Cùng với đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đạt 1.191.514ha, là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước.
Nhằm phát huy nguồn lực tự nhiên để phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn.
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án tổ chức không gian các vùng trồng trọt của tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp thành 5 tiểu vùng: Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp (phát triển các vùng chuyên canh các vùng các loại cây trồng: điều, lúa nước, cây ăn quả, dược liệu...); Tiểu vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột - Ea H’leo (phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với các loại cây dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng...); tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk (phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp như: ca cao, cây ăn trái và trồng rừng...); tiểu vùng đồng bằng sông Krông Ana - Sêrêpốk phát triển các vùng chuyên canh sản xuất lương thực tập trung như lúa, ngô...; tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin (phát triển các hoạt động khai thác kinh tế từ lâm nghiệp, nông lâm kết hợp)…
Với lợi thế về rừng và nông nghiệp, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển tín chỉ carbon |
Tiềm năng phát triển tín chỉ carbon
Song song với những tiềm năng về nông nghiệp, Đắk Lắk còn được đánh giá địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu là tín chỉ carbon từ rừng và lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon từ năm 2025 với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ carbon vào năm 2028.
Thời gian qua, Đắk Lắk đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và của sự chỉ đạo của Chính phủ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, tín chỉ carbon và bảo vệ môi trường…
Song đến nay, kết quả đạt được còn rất nhỏ; phần lớn diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được quản lý theo các tiêu chuẩn quản lý bền vững; diện tích được tính tín chỉ carbon mới triển khai thực hiện ở mức giai đoạn đầu nên còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh đó, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý ngành nông, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững.
Vậy nên, việc trao đổi thông tin về tín chỉ carbon, thị trường chứng chỉ carbon và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon hiện nay ở trong nước và quốc tế là điều rất cần thiết nhằm xây dựng, phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình Chính phủ đưa ra.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk mong muốn, trong thời gian tới sẽ có giải pháp hiệu quả trong xây dựng khuôn khổ pháp lý, vận hành sàn giao dịch carbon, bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình phát triển thị trường carbon; đề xuất các cơ chế hợp tác về tín chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon cho địa phương...