Đắk Nông phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Bình luận · 46 Lượt xem

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, Đắk Nông có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP đa dạng theo thế mạnh riêng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp địa phương. Từ chương trình OCOP, nhiều ?

Ông ty TNHH MTV Thương mại-xuất nhập khẩu mắc-ca sachi Thịnh Phát (thành phố Gia Nghĩa) tham gia chương trình OCOP từ những ngày đầu. Đến nay, đây là đơn vị duy nhất của Đắk Nông đang sở hữu 4 sản phẩm OCOP hạng 4 sao gồm: Hạt mắc-ca rang sấy, sầu riêng sấy thăng hoa, măng cụt sấy thăng hoa và mít sấy thăng hoa.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, giám đốc công ty cho biết, để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP hiện có, nhiều năm qua đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư, nhất là việc mua sắm công nghệ chế biến. Từ các loại máy móc rang sấy công suất nhỏ, thô sơ của những buổi đầu khởi nghiệp, công ty hiện đã đầu tư thêm nhiều thiết bị công suất lớn, công nghệ sấy thăng hoa hiện đại, trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ công nghệ hiện đại, kết hợp với các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì… mà sản phẩm OCOP của đơn vị đã sớm tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Sản phẩm bò khô của Cơ sở sản xuất bò khô Đức Tâm tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được công nhận OCOP từ năm 2020; mặc dù từ nhiều năm trước, cơ sở này đã bắt đầu có ý thức về xây dựng sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn giữ vững tiêu chí nguyên liệu đầu vào tươi ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng một thời gian dài trước đây sản phẩm do cơ sở sản xuất ra được ít người biết đến.

Ông Đỗ Đức Dương, chủ cơ sở sản xuất này cho biết, việc đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP là một bước ngoặt lớn, vì sản phẩm đã chứng minh được các điều kiện đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nguyên liệu, quy trình sản xuất, nhà xưởng và máy móc đạt tiêu chuẩn OCOP ngành thực phẩm.

Cũng theo ông Dương, ngay từ khâu nguyên liệu được lựa chọn kỹ, tươi ngon và sản xuất theo quy trình khoa học đã giúp sản phẩm bò khô Đức Tâm giành được nhiều lợi thế trên thị trường. Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho cơ sở quảng bá sản phẩm, tiếp cận nhiều thị trường mới, gia tăng sản lượng, bán hàng nhanh chóng, tạo cơ hội mới để khởi nghiệp với hình thức bài bản, quy mô và quyết tâm cao hơn nhằm đưa sản phẩm ra thị trường lớn.

Tương tự, sản phẩm cà-phê bột Godere của Công ty cổ phần Godere (thành phố Gia Nghĩa) đạt chứng nhận OCOP từ năm 2020. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm là cả một quá trình đầu tư bài bản, nghiêm túc của doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thủy Tiên, giám đốc công ty cho biết, quá trình đầu tư cho sản phẩm OCOP của đơn vị mất nhiều thời gian và nguồn vốn đầu tư. Trước tiên, doanh nghiệp liên kết với một đơn vị tư vấn để được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, về khâu sản xuất, doanh nghiệp mất thời gian ba năm để chuyển đổi đất, từ đất nông nghiệp thành đất hữu cơ (organic). Trong thời gian này, công ty phải đầu tư sản xuất hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, tuân thủ chặt chẽ quy định về không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.

Đến năm thứ tư mới đủ điều kiện để đưa mẫu đất đi thẩm định (test) ở nước ngoài và được chứng nhận. Cùng với đó là quá trình đầu tư về kho bãi, nhà xưởng, nhà kính để phơi nguyên liệu sau thu hoạch, máy móc phục vụ chế biến, bao bì sản phẩm cũng phải đạt tiêu chuẩn tương ứng.

Từ nguồn kinh phí khác nhau, Nhà nước có nhiều hoạt động đầu tư hỗ trợ các chủ thể về: Xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các trang thiết bị máy móc; thiết lập bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm… Trong hai năm (2022- 2023), khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ Đắk Nông thực hiện được 22 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 10,3 tỷ đồng.

Riêng năm 2024, kinh phí khuyến công địa phương dành 1,8 tỷ đồng để phát triển các sản phẩm trên địa bàn. Trọng tâm hỗ trợ của những nguồn kinh phí này là ưu tiên cho các chủ thể đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu, chất lượng cho các sản phẩm.

Theo đánh giá, hiện sản phẩm OCOP tạo bước phát triển mới cho các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của Đắk Nông, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Đến nay, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm đạt 4 sao và 78 sản phẩm đạt 3 sao.

Hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao. Năm 2023, doanh thu từ các sản phẩm OCOP đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các sản phẩm OCOP đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế khu vực nông thôn.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 có thêm 30 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên hơn 120 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm đạt 4-5 sao. Hiện tại, Đắk Nông đã đạt con số 96 sản phẩm OCOP và tỷ lệ sản phẩm đạt 4 sao vượt con số 10%; tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có sản phẩm đạt chuẩn OCOP quốc gia với hạng 5 sao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Tuấn Anh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tạo ra sản lượng và giá trị hàng hóa lớn, mà trước hết là các sản phẩm từ cây trồng chủ lực của tỉnh.

Tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm. Điều này sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Đắk Nông sẽ thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, nhất là các sản phẩm đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Bình luận