Miền núi nên mở rộng đối tượng cây trồng

Bình luận · 208 Lượt xem

Đọc bài 'Tan tác vùng cam Cao Phong', và sau đó là bài thông tin, trao đổi về vấn đề này của Sở NN-PTNT Hòa Bình, tôi có nhiều suy nghĩ.

Đọc bài “Tan tác vùng cam Cao Phong” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 18/9/2023, và sau đó là bài thông tin, trao đổi về vấn đề này của Sở NN-PTNT Hòa Bình, tôi có nhiều suy nghĩ.

 

Cao Phong nổi tiếng về trồng cam. Dân vùng này có nhiều người giàu lên từ cây cam. Cam ở đây đã có từ rất lâu. Có người cho biết, cam Cao Phong có nguồn gốc từ cam Vinh. Qua nhiều đời bình tuyển, nay cam Cao Phong đã thành thương hiệu riêng, có uy tín trong cả nước.

 

Mỗi vùng miền đều cố gắng tìm ra thế mạnh của mình để giúp người dân vươn lên làm giàu. Ngày xưa chỉ có “lúa, lợn”, nay nhờ có chủ trương phát triển sản phẩm OCOP mà trăm hoa đua nở, biết bao ngành nghề mới, cây con mới được đưa vào sản xuất. Bà con khắp nơi nô nức thi đua sản xuất với hàng trăm ngành nghề mới. Hiệu quả thu được rất tuyệt vời.

 

Tôi đã đến thăm rất nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, thậm chí nhiều nhà thu được bạc tỷ. Họ đều là những nông dân bình thường nhưng nhờ lựa chọn được cách làm hay, đối tượng hay nên đã đổi đời.

 

Gần đây, nhất là việc trồng sầu riêng, nhờ mở cửa được với thị trường Trung Quốc nên bà con trồng sầu riêng thu bộn tiền, rất nhiều nhà có được bạc tỷ...

 

Hiện nay, khi Chính phủ bắt tay được với nhiều quốc gia, nông sản Việt Nam tha hồ tung cánh. Tuy nhiên bà con cũng cần cân nhắc, bởi hàng hóa phải đạt được rất nhiều chỉ tiêu mới tiêu thụ tốt cả trong nước và trên thế giới. Phải xem xét ngay từ khâu chọn đối tượng sản xuất, kỹ thuật sản xuất, bảo quản, thu hái, chế biến, đóng gói... Việc này Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo rất nhiều.

 

Tôi chỉ xin bàn thêm với bà con về đối tượng sản xuất, trong bài này, xin dừng ở đối tượng cây trồng cho miền núi. Chúng ta có vô vàn cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao nhưng một thời gian dài không được nhắc tới. Tới nay, nhiều cây trồng đã dần vươn lên và ngày càng chứng minh được giá trị của nó.

 

Tỉnh Sơn La là một điển hình. Từ một tỉnh đứng hàng cuối, quanh quẩn chỉ có ngô với sắn, thế mà họ đã vươn lên thành điểm sáng của cả nước nhờ vào việc chuyển đổi đối tượng sản xuất. Diện tích cây ăn quả của Sơn La vươn lên đứng thứ nhì cả nước (chỉ sau Tiền Giang). Dân Sơn La giàu lên trông thấy. Chủ trương chuyển đổi tuyệt vời này của Tỉnh ủy Sơn La đã đưa dân Sơn La vươn lên vững vàng. Tôi mơ ước các tỉnh cũng sẽ có được những quyết đoán như Sơn La...

 

Chúng ta có vô vàn loại cây trồng mà thế giới ưa thích. Hiện nay nhãn, sầu riêng, thanh long, dưa hấu, chanh dây... đã được bán ra nhiều nước. Mỗi vùng đều có những loại cây ăn quả đang được quan tâm tới. Riêng ở vùng đồi núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang có những chuyển biến rõ rệt.

 

Tôi lên Lạng Sơn, Thái Nguyên và vào Hà Tĩnh để thăm những vùng trồng cây trám (cả trám đen và trám trắng). Không ngờ, trám bây giờ lại thành đặc sản. Người Trung Quốc sang tìm mua hết trám trắng. Họ đưa về để làm mứt, làm kẹo, làm kem, làm nước giải khát...

 

Trám đen hiện nay cũng lên giá quá trời! Ở Thái Nguyên (xóm Hà Châu, huyện Yên Bình) trám đen được bán với giá 120 - 130.000đ/kg. Khi tôi vào Hà Tĩnh (xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn), người dân bán trám đen tới 130 - 140.000đ/kg. Đặc biệt, hạt trám còn được mua với giá cao hơn. Hạt trám được thu mua dùng để chạm trổ ra rất nhiều loại hình hài đặc sắc (giá hạt trám có lúc lên tới trên 200.000đ/kg).

 

Cây dẻ ăn hạt hiện nay cũng rất hấp dẫn. Tôi tới thăm gia đình chị Thủy ở ngoại thành TP Lạng Sơn. Cả một vùng gò đồi quanh nhà chị đã trồng cây dẻ lấy hạt. Đất cằn cỗi nhưng dẻ vẫn rất tốt. Mỗi ha chị trồng tới hơn 400 cây. Năm hay bình quân mỗi cây cho 20kg hạt. Chị bán hạt dẻ với giá 100.000đ/kg. Hiện gia đình chị Thủy có tới 7ha trồng toàn dẻ, tiền thu được quá trời!

 

Tôi vào xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) để thăm một anh bạn người Mường có công nhân ghép giống giổi lấy hạt. Anh đã cung cấp cây giống cho nhiều nơi. Cây giổi ghép chỉ 3 năm đã cho quả. Hạt giổi được thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất cao (hạt tươi 700 - 800.000đ/kg, hạt khô 1,5 triệu đồng/kg). Ở làng anh, nhà nào cũng trồng giổi. Tôi vào Đắk Lắk, quanh hồ Eakao người ta cũng đã trồng kín cây giổi. Giổi ở đây còn tốt hơn giổi ở Hòa Bình...

 

Đặc biệt ở khắp các vùng của Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc và cả một số huyện giáp Tây Nguyên ở miền Trung, bà con đã nô nức trồng mắc ca. Lúc đầu họ chưa tin, ngay cả lạnh đạo cũng còn ngần ngại. Nhưng tới nay, hiệu quả quá rõ, diện tích trồng mắc ca đã lên tới hàng nghìn ha. Tôi tới thăm hàng loạt gia đình ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên, ở đâu cũng thành công với cây mắc ca, thu nhập ngày càng tăng. Những nhà trồng mắc ca được 6 - 7 năm thu vài trăm triệu đồng/ha là chuyện bình thường. Mắc ca lại sống tới trên 100 năm, nó hơn hẳn cây keo và bạch đàn cả về thời gian che phủ đất, cả về thu nhập cho dân...

 

Trở lại với câu chuyện về cam Cao Phong, việc vực dậy vườn cam Cao Phong là việc làm cần thiết. Đó là túi tiền của dân. Trước mắt cần thực hiện tốt từng bước những vấn đề, giải pháp mà Sở NN-PTNT Hòa Bình đã đề ra và nên tập trung vào những khu vực thuận lợi nhất. Những nơi không thuận lợi hoặc bị bệnh hại nặng nề thì nên xem xét chuyển đổi sang cây trồng khác. Ngay tại Cao Phong, có một hộ đã đưa cây mắc ca trồng xen giữa vườn cam. Cây mắc ca phát triển rất tốt. Chúng ta cần cân nhắc kỹ để việc canh tác của bà con sẽ luôn đạt kết quả tốt.

 

Tôi mong muốn Ủy ban Dân tộc sẽ tổ chức một hội thảo với chủ đề: “Làm gì để miền núi tiến vượt miền xuôi?”. Nghe có vẻ lạ nhưng thực tế đã có nhiều bà con vùng cao đã làm được điều này.

Bình luận