Ngày 3/8, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng.
Hội nghị được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với sự tham gia của đại diện 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh và 25 đối tác là các công ty quản lý các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazadade, Propii, TikTok…
Hội nghị cũng tổ chức 40 gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời tổ chức hoạt động trình diễn, bán hàng trực tiếp trên nền tảng TikTok “Phiên chợ OCOP, Nông sản trong mây”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm gần đây, địa phương luôn quan tâm, thực hiện các hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP. Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng xác định đây là hoạt động quan trọng, mấu chốt để đưa thương hiệu “Nông sản Đà Lạt”, nông sản Lâm Đồng ra với thị trường.
“Hội nghị Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng lần này với mục tiêu tổ chức quảng bá, giới thiệu nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh với các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Châu nói.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, những năm qua, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương đã được cơ cấu lại một cách toàn diện, sản xuất chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
“Thương mại điện tử được xem là giải pháp trọng tâm để hình thành một nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh cao và theo kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết thêm, thời gian qua, thương mại điện tử đã góp phần đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng kết nối.
Chia sẻ tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Huyền, đại diện Công ty TNHH Hoàng Anh Maca cho biết, 5 năm trước, công ty sản xuất ra những sản phẩm mắc ca đầu tiên và doanh nghiệp đã tính đến phương án tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử. Trong đó bao gồm trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee và website bán hàng của công ty.
“Chúng tôi đã nhận thấy thương mại điện tử là môi trường kinh doanh rất phù hợp với doanh nghiệp mới như chúng tôi. Thay vì phải xây dựng đội sale để đưa sản phẩm tới tay khách hàng theo các kênh phân phối truyền thống thì chúng tôi có thể bán hàng trực tiếp cho khách hàng ở khắp mọi nơi trên Việt Nam mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian”, bà Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ.
Tuy vậy, theo bà Huyền, việc phát triển các kênh thương mại trên, doanh nghiệp gặp khó khăn khi chi phí quảng cáo ở nền tảng mạng xã hội cao, đặc biệt quá cao so với biên độ lợi nhuận bán nông sản. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị được chính quyền có biện pháp hỗ trợ trong việc tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, kiến nghị địa phương xây dựng, triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử