Nâng cấp chất lượng tổ yến để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Bình luận · 23 Lượt xem

Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tổ yến, đồng thời tuân thủ các quy định Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tiền Giang là tỉnh có nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến phát triển ở ĐBSCL. Hiện, toàn tỉnh có 1.720 cơ sở nuôi chim yến, tập trung tại các huyện phía Đông với số lượng chiếm hơn 61%. Tuy nhiên, gần đây tại các huyện phía Tây cũng đang phát triển nghề này. Hiện số cơ sở đang khai thác tổ mới đạt hơn 50%.

Từ năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang đã triển khai kế hoạch hỗ trợ các cơ sở nuôi chim yến, cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ hướng đến xuất khẩu đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn dịch bệnh.

Theo đó, để chủ động giám sát mầm bệnh Cúm gia cầm, Newcastle trên gia cầm và chim yến, đơn vị phối hợp Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) trong việc lấy mẫu giám sát và an toàn dịch bệnh đối với 30 cơ sở nhà yến.

Hiện, Tiền Giang có 2 doanh nghiệp đăng ký tham gia xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư. Kết quả bước đầu, Công ty TNHH Nông sản Tân Đông (TP Gò Công) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã code xuất khẩu. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn (TP Mỹ Tho) đã hoàn chỉnh hồ sơ và đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra thực tế.

Để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm tổ yến, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến tổ yến, đồng thời xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn là một trong những doanh nghiệp có nhiều hoạt động nổi bật ở ngành hàng này tại địa phương. Hiện, doanh nghiệp này có 30 nhà yến và liên kết với trên 200 nhà yến ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp để khai thác sản lượng tổ yến hàng tấn mỗi tháng.

Sản phẩm tổ yến chưng. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm tổ yến chưng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn chia sẻ, Công ty đã đầu tư xưởng sản xuất yến tinh chế, nhặt lông theo phương pháp thủ công nhưng vẫn tuân thủ theo tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018. Bên cạnh đó, dây chuyền thiết bị hiện đại được kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP để sản xuất ra các sản phẩm an toàn và đa dạng với hơn 100 dòng sản phẩm.

Ông Bùi Đăng Sơn chia sẻ, do tình hình chung nên giá tổ yến đang giảm khoảng từ 5-7%, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ không giảm.

Đặc biệt, Công ty Trí Sơn đang có 28 sản phẩm OCOP 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là yến tinh chế, tổ yến chưng, tổ yến sấy thăng hoa, rượu yến, tinh chất yến.

Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm để tăng cường nhận diện thương hiệu sản phẩm cho khách hàng. Đây đồng thời cũng là một trong những điểm bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang.

“Miền Tây có nguồn thức ăn cho yến rất phong phú, khí hậu thích hợp cho nghề dẫn dụ gây nuôi chim yến. Theo tôi ước tính, sản lượng tổ yến của ĐBSCL phải chiếm khoảng 70% của cả nước và chất lượng tổ yến không thua gì các nơi khác”, ông Sơn chia sẻ.

Theo tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng gây nuôi và dẫn dụ chim yến, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2024 - 2025: “Giải pháp đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến của tỉnh Tiền Giang sang thị trường Trung Quốc”.

Theo đó, đề tài sẽ xây dựng giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm các sản phẩm từ tổ yến. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến của tỉnh Tiền Giang sang thị trường Trung Quốc.

Bình luận