Theo Tổng cục Thống kê, bão số 3 (Yagi) vừa qua gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc. Qua nắm tình hình của các doanh nghiệp cho thấy, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất lớn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển thiệt hại nặng nề sau bão.Trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá…
Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng.
Nhìn vào kết quả tăng trưởng quý III có thể thấy, thiệt hại trong nông nghiệp là lớn nhất. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, mức độ ảnh hưởng không nặng nề như đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, trong công nghiệp, bão ảnh hưởng chủ yếu tại các địa phương siêu bão tràn qua như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và ảnh hưởng nhiều tới nhóm ngành khai thác than và quặng. Tuy nhiên, thời gian bão diễn ra không dài, nên việc gián đoạn sản xuất chủ yếu là để các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão.
Một số địa phương bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên có lũ xảy ra thì hiện tượng cục bộ tại một số vùng trũng trong các tỉnh, thành phố, các khu,cụm công nghiệp (nơi tập trung sản xuất) bị ảnh hưởng ít hơn, chủ yếu là gián đoạn do lao động tạm thời không đi làm được.
Tổng hợp kết quả khảo sát 30.587 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp quý III gặp khó khăn hơn quý II chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão. Các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp FDI.
Có 23,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II; 48,3% giữ ổn định; 28,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. So với quý II, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 2,4%; khó khăn hơn tăng 1,7%.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất với 34,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 42,6% giữ ổn định; 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. So với quý II, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 4%; khó khăn hơn tăng 1,9%.
Ngành thương mại, dịch vụ có 18,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 53,1% giữ ổn định; 28,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. So với quý II tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 3%; khó khăn hơn tăng 1,3%.
Ngành xây dựng có 25,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 40,8% giữ ổn định; 33,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. So với quý II tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước giảm 0,7%; khó khăn hơn tăng 2,8%.
Theo loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 29% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 45,6% giữ ổn định; 25,4% đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Doanh nghiệp Nhà nước có 23,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 50,0% giữ ổn định; 26,8% đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 22,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn; 48,7% giữ ổn định; 28,7% đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.