Trang trại chăn nuôi 'bắt tay' với trồng trọt, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Bình luận · 252 Lượt xem

Phân bò được dùng để nuôi trùn quế. Phân trùn quế được xử lý làm phân hữu cơ để trồng cỏ và ngô sinh khối làm thức ăn cho bò và bón cho cây trồng.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu để hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Với chức năng chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con trong tổ chức sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tuần hoàn trong nông nghiệp.

Xuất phát từ mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt bằng ngô sinh khối, trong quá trình triển khai thực hiện, thực tế cho thấy lượng chất thải thải ra trong chăn nuôi rất lớn nên Trung tâm đã hướng dẫn, chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong HTX bước đầu hình thành mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn.

Theo đó, phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế. Sau đó, trùn sẽ được dùng làm thức ăn cho lợn và chất thải của trùn sẽ được xử lý làm phân bón hữu cơ rất có chất lượng để bón cho cỏ, ngô, rau củ, cây ăn quả. Cuối cùng, cỏ và ngô sinh khối sẽ lại được sử dụng lại làm thức ăn cho bò.

Thái Nguyên đang nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ để giảm ô nhiễm, giảm phát thải chăn nuôi, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thái Nguyên đang nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ để giảm ô nhiễm, giảm phát thải chăn nuôi, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My, xã Nga My, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) cho hay, với diện tích 250m2 chuồng trại nuôi trùn quế, mỗi tháng người dân có thể thu về từ 10 - 15 tấn phân trùn, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đánh giá, qua thời gian ngắn triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, từ đó tạo cơ sở để bà con trong HTX cũng như các hộ chăn nuôi ở địa phương tiếp tục nhân rộng, phát triển rộng rãi hơn để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp cũng như giảm chất thải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải trong chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, bền vững.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay tại Thái Nguyên, tất cả các trang trại chăn nuôi đều có sự liên kết với các HTX trong ngành trồng trọt. Chất thải trong chăn nuôi đều được thu gom, xử lý theo đúng quy định để trở thành phân bón hữu cơ quay trở lại phục vụ cho trồng trọt.

“Thái Nguyên có một sản phẩm đặc hữu là cây chè. Tỉnh đang hướng đến phát triển chè hữu cơ. Việc xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các chất thải trong chăn nuôi, ủ thành phân hữu cơ phục vụ cho cây chè cũng như các sản phẩm khác trong ngành trồng trọt đang là định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới”, ông Hà Trọng Tuấn cho hay.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ cho trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi đã cùng lúc mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ cho trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi đã cùng lúc mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ về định hướng phát triển chăn nuôi tuần hoàn trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho rằng, cần phải xác định nhà nước chỉ là “bà đỡ”, mang tính chất hỗ trợ ban đầu, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn quy trình tuần hoàn cho bà con.

"Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người chăn nuôi thấy được những lợi ích và tự giác áp dụng triển khai sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Quan trọng là phải làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân về chăn nuôi tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay tỉnh Thái Nguyên rất coi trọng phát triển chăn nuôi. Trong năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng tỉnh giao cho ngành nông nghiệp là 3,5%, hướng tới mức tăng trưởng 4%/năm.

Tỉnh Thái Nguyên xác định dư địa để phát triển ngành trồng trọt đang hạn chế dần nên để có thể tăng sự đóng góp của ngành nông nghiệp lên mức 4%/năm, cần phải tập trung phát triển chăn nuôi

Bình luận