Để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo"

Bình luận · 35 Lượt xem

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học (CNSH) được ví như chìa khóa

Đột phá nhờ công nghệ, sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh và chất lượng ổn định. Công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống. CNSH đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương và bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Đây là một vài CNSH điển hình đang được Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới áp dụng để mang lại những tác động đột phá cho sản xuất, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp. 

TS. Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế nhìn nhận, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu và ứng dụng CNSH. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, năng lực phát triển CNSH được nâng cao, cả về nhân lực, trang thiết bị và thể chế.

dsc_0687-1600x1200-.jpg
Doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

“Lợi ích của việc sử CNSH trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Điều đáng tiếc là việc phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp nước ta còn chậm, còn khoảng cách với thế giới” - TS. Cao Đức Phát cho biết. 

Nêu một số thành tựu nổi bật của ứng dụng CNSH trong thủy sản, PGS,TS. Đặng Thị Lụa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, cho biết, nhờ các chương trình chọn giống, kết hợp phương pháp chọn giống truyền thống và phương pháp chọn giống hiện đại, loài nuôi thủy sản có những tính trạng ưu việt. Có thể kể đến như: cá tra, cá chẽm, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng tăng trưởng nhanh; cá tra kháng bệnh gan, thận mủ; cá rô phi chịu mặn, chịu lạnh; tôm thẻ chân trắng kháng bệnh.

Việt Nam đã ứng dụng được công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, các chỉ thị phân tử, trong định loại và đánh giá đa dạng di truyền các loài thủy sản, lựa chọn vật liệu ban đầu cho bảo tồn và chọn giống… Tuy nhiên, bà Lụa cũng trăn trở về khó khăn áp dụng CNSH trong thủy sản, như các nghiên cứu không có tính kế tiếp, liên tục trong chọn giống, từ đó gây ra độ trễ trong ứng dụng.

Trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm. Doanh nghiệp thời gian qua kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu CNSH. Do nguồn lực bị giới hạn, khi nghiên cứu CNSH nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo bà Lụa, các nghiên cứu cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp lại chưa “mặn mà” với nghiên cứu, tạo khó khăn cho các Viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản cũng mong muốn có cơ chế để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao, những năm qua, các hình thái thời tiết khốc liệt đã và đang gây tổn thất nặng nề về kinh tế, hạ tầng và đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu.

Để góp phần giải quyết vấn đề nói trên, một thế hệ cây trồng mới đã được tạo ra, có khả năng kháng một số loại sâu, bệnh nguy hiểm, chống chịu với các hình thái thời tiết cực đoan gắn với CNSH.

Đồng quan điểm, TS. Đỗ Tiến Phát (Viện Công nghệ sinh học) cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng CNSH.

Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gen hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

"Việc ứng dụng CNSH không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao" - TS. Đỗ Tiến Phát nhấn mạnh.

Phát huy vai trò bệ đỡ chính sách và sự vào cuộc của “ba nhà”... 

Hiện nay, Việt Nam đã và đang xây dựng được được đội ngũ các nhà khoa học, kỹ thuật viên được đào tạo khá bài bản, nhiều phòng thí nghiệm được trang bị khá hiện đại. Song theo TS. Cao Đức Phát, việc ứng dụng CNSH trong thực tế vẫn còn gặp nhiều thách thức mà một trong những nguyên nhân chính là nhận thức của các ngành chức năng và của chính doanh nghiệp, người dân còn chưa cao, chưa thống nhất.

Do đó “cần phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương do Đảng, Chính phủ đề ra, xóa bỏ mặc cảm, đầu tư thỏa đáng, tháo gỡ các rào cản pháp lý để CNSH Việt Nam cất cánh cùng thế giới…” - TS. Cao Đức Phát nêu. 

4(1).jpg
Công nghệ sinh học sẽ định hình tương lai phát triển nông nghiệp

Qua thực tiễn nghiên cứu còn nhiều rào cản, ông Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đề xuất Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành liên quan khi giao nhiệm vụ, đặt hàng công trình nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo chuỗi. Nghĩa là, đặt hàng nhiều đơn vị, cùng phối hợp giải quyết vấn đề, sao cho đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị kế tiếp.

 

Ngoài ra, công nghệ lõi trong CNSH sẽ giúp giải quyết những thách thức phi truyền thống, đồng thời tham gia tích cực hơn vào nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Nhấn mạnh việc ứng dụng CNSH vào nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, PGS,TS. Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng CNSH vào sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Ninh cũng nhấn mạnh cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ sinh học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu mới. Bởi việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam dựa trên nền tảng CNSH cũng là một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. 

Là một trong những sinh viên đầu tiên theo học ngành CNSH, PGS,TS. Nguyễn Đức Bách (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, để thu hút người học, “chúng ta cần phải chứng minh giá trị kinh tế của CNSH và cung cấp khả năng tài chính để hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học lâu dài” - PGS,TS. Nguyễn Đức Bách nói. 

PGS,TS. Bách đề xuất cần có thêm đầu tư, không chỉ vào nhân lực mà còn vào cơ sở vật chất. Các chương trình nghiên cứu cần được đầu tư để các sinh viên có thể triển khai một cách bài bản từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến khảo nghiệm có kiểm soát trong nhà màng và cuối cùng là đi vào sản xuất. 

Vướng mắc hiện nay là khi trình một dự án công nghệ theo cơ chế hiện hành thì mất nhiều thời gian, do đó, cần có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long

Hiện nay, nhiều vướng mắc chính sách đã khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp (như việc xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ để chuyển giao, cơ chế phân chia lợi nhuận...). Nhiều dự án có giá trị khoa học cao nhưng không thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Theo ông Bách, cơ quan quản lý cần điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào sản xuất thực tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội từ CNSH trong phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Bình luận