Đề án do huyện An Dương (TP Hải Phòng) phối hợp với Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai, gồm 3 báo cáo chuyên đề và 7 bản đồ chuyên ngành, được thực hiện trong 6 tháng (từ 8/2023 - 1/2024). Huyện An Dương là địa phương đầu tiên ở Hải Phòng triển khai và hoàn thành đề án này.
Nội dung đề án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng, chất lượng đất và tiềm năng sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến dữ liệu tài nguyên đất đai và quy hoạch nông nghiệp huyện An Dương; quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Qua 6 tháng triển khai (từ tháng 08/2023 đến tháng 01/2024), đề án được xây dựng một cách bài bản, khoa học, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố Hải Phòng và huyện An Dương. Đề án bao gồm bộ cơ sở dữ liệu về thực trạng, chất lượng đất và tiềm năng sử dụng đất đai; quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch; định hướng, phương án phát triển nông nghiệp huyện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045... Điểm nổi bật của đề án, toàn bộ các dữ liệu, số liệu và bản đồ được số hóa, tạo thành một hệ thống dữ liệu trực tuyến kết nối với Hệ thống tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định của huyện (hệ thống DSS) được công khai trên cổng dữ liệu kinh tế - xã hội mở phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa chỉ: https://open.dssanduong.vn. Qua đó, giúp cơ quan quản lý ra quyết định lựa chọn phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp; người dân và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được tiềm năng đất đai, các thông tin về quy hoạch, từ đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, những năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng đơn vị hành chính quận, phát triển đô thị, huyện dành sự ưu tiên quy hoạch quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, gìn giữ các làng nghề truyền thống.
Mặt khác, địa phương đã phối hợp với các sở, ngành của TP Hải Phòng khôi phục và nhân giống cam Đồng Dụ, hoa Hải Đường ở xã Đặng Cương, phát triển hoa lay ơn ở xã Đồng Thái..., đồng thời triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng với hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển đô thị, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Dương dần thu hẹp, sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu chuỗi liên kết, manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Hiện sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn ít có tính đặc trưng từng vùng và sản xuất bị tác động bởi biến đổi thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... nên việc đánh giá toàn bộ hiện trạng của ngành nông nghiệp nhằm định hướng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp là cực kỳ quan trọng và cấp bách.
Đề án sẽ triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất như: sản xuất hoa chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tân Tiến, với tổng diện tích từ 25 - 30 ha; canh tác lúa chất lượng cao, tại các xã: Bắc Sơn, Quốc Tuấn, Lê Thiện, với tổng diện tích từ 50 - 100 ha; sản xuất nấm tại các xã: Bắc Sơn, Hồng Phong, với diện tích từ 1 - 2 ha; sản xuất trồng rau, dưa, cà chua trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VIETGAP tại xã: Ạn Hòa, Hồng Thái, với diện tích từ 3-5 ha; sản xuất khoai tây giống mới năng suất, chất lượng cao tại xã Tân Tiến, An Hồng, Đại Bản với tổng diện tích từ 30 - 50ha…Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp huyện đạt 2-2,5%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020.
Cũng tại hội nghị, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức bàn giao hệ thống bản đồ số nông nghiệp cho 16 xã, thị trấn và một số phòng, ban, ngành huyện.
BBT tổng hợp