Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh

Bình luận · 28 Lượt xem

Những năm gần đây, diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu hụt do tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Do đó, phát triển nông nghiệp

Điều này được tỉnh xác định rõ trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong những nhiệm vụ, đột phá phát triển nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

 

Vai trò ca nông nghip công ngh cao

 

Thời gian qua, các chương trình ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại Phú Yên đã được quan tâm, đề xuất triển khai góp phần thiết thực xây dựng cơ sở khoa học để phục vụ công tác quản lý, xây dựng được các mô hình tiên tiến trong sản xuất. Tuy nhiên, đa phần đều ở quy mô nhỏ.

 

Mặt khác, nông nghiệp CNC ở Phú Yên đang ở giai đoạn khởi đầu, phần lớn thực hiện theo một hoặc một số tiêu chí nhất định: áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất trồng trọt (sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn, ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất…); sử dụng trạm khí tượng thông minh iMetos (giấy ướt lá) nhằm truy xuất dữ liệu thời tiết, đánh giá tác động của khí hậu và dự đoán tình hình sinh vật gây hại từ hệ thống cơ sở dữ liệu…; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học gắn với kiểm soát dịch bệnh; xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đa dạng hóa và thân thiện môi trường...

 

Trồng cà chua công nghệ cao tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: PV

 

Một số doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng CNC vào sản xuất được công nhận, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và nuôi tôm công nghiệp của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; mô hình quản lý rừng đạt chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Bình Nam, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI với diện tích 11.757,85ha được Hội đồng quản lý rừng toàn cầu chứng nhận; 2 HTX CNC là HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB, HTX Lâm nghiệp CNC Phú Yên.

 

Phú Yên đã hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành quy chế hoạt động tại Quyết định 2292/QĐ-TTg ngày 27/11/2013. Theo đó, đến nay, cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC được tỉnh quan tâm và chú trọng đầu tư như: Nhà màng, nhà kính, hệ thống điện mặt trời, hệ thống thủy lợi tưới tiết kiệm nước... để triển khai thực hiện các dự án ứng dụng CNC trong sản xuất một số sản phẩm rau ăn lá, dưa lưới, dưa hoàng kim và trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất giống theo công nghệ nuôi cấy mô, chăn nuôi gà sạch...

 

Đồng thời, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên theo Quyết định 62/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 nhằm thu hút các nhà đầu tư, với một số cơ chế nổi bật như: Miễn, giảm toàn bộ tiền thuê đất có thời hạn hoặc cho cả thời gian thuê; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế xuất nhập khẩu; ưu tiên chọn khu đất thuận lợi, phù hợp với quy hoạch chi tiết của Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên cho những nhà đầu tư đăng ký trước và thực hiện dự án đúng khối lượng, thời gian cam kết khi thực hiện dự án...

 

Hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên có 9 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 459 tỉ đồng trên diện tích 108,21ha. Mỗi suất đầu tư đến thời điểm hiện tại bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/ha. Mục tiêu theo hướng ứng dụng CNC để sản xuất và cung cấp giống, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình ứng dụng CNC cho các HTX, hộ nông dân sản xuất ra vùng nguyên liệu. Trong số này, 2 dự án đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào đầu năm 2024, 1 dự án đang xây dựng chưa hoàn thành, còn lại các dự án đang phối hợp UBND huyện Phú Hòa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và lập thủ tục xin thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

 

Đi tìm gii pháp

 

Để Phú Yên phát huy tiềm năng, lợi thế, hiện nay, tỉnh đã có quy hoạch chung, trong đó, xác định một khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được phê duyệt quy hoạch các phân khu hoàn chỉnh, rõ ràng và được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Đối với 11 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại các địa phương, hiện nay mới chỉ dừng lại ở xác định tên vùng, diện tích mà chưa thể hiện cụ thể địa điểm, chưa được đầu tư hạ tầng cơ bản để thu hút nhà đầu tư. Do đó cần thiết phải rà soát, đánh giá hiện trạng, xác định rõ vị trí gắn với hạ tầng kỹ thuật chung và gắn với nhà máy chế biến nhằm tối đa hóa sản phẩm.

 

Trồng khảo nghiệm các giống sắn kháng bệnh khảm lá tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: Q.VIỆT

 

Về cơ chế chính sách, hiện nay, trung ương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách chung. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần rà soát, ban hành thêm cơ chế chính sách riêng nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có nhiệt huyết, có năng lực vào đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tại Phú Yên như cơ chế xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch… Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp sẵn sàng đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng CNC, thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, để tạo ra sản phẩm hàng hóa, quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt cần thiết phải liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết không chỉ giữa nông dân với nông dân, mà giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Trước mắt, hình thành một số mô hình điểm để nhân rộng ra toàn vùng, nông dân sẽ hưởng ứng khi nhận thấy hiệu quả mang lại từ thực tế ở địa phương.

 

Ngoài ra, cần thiết phát huy vai trò và hiệu quả của Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên; trong đó tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, cung ứng cây giống, con giống có chất lượng cao để cung cấp cho tỉnh và khu vực; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm thông qua phát huy mạnh mẽ phân khu chế biến, hình thành các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu với công nghệ tiên tiến, hiện đại; hình thành các mô hình điểm trong việc ứng dụng công nghệ iOT trong sản xuất… tạo sức lan tỏa cho toàn vùng.

  

PHẠM QUỐC HOÀNG

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên

Bình luận