Qua đó, phục hồi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng và cuộc sống người dân.
Hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp
Ông Lê Thanh Tiến ở thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú (huyện Thường Tín) cho biết, do ảnh hưởng cơn bão số 3 nên 2 sào rau màu của gia đình sắp đến ngày thu hoạch bị ngập toàn bộ, hỏng và thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Hiện nay, sau khi nước rút, ruộng khô ráo trở lại, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và doanh nghiệp về giống rau màu ngắn ngày, phân bón… các hộ dân trên địa bàn xã Thư Phú đang tập trung làm đất, gieo trồng vụ rau mới. “Hy vọng vụ rau tới, giá bán cao, giảm chi phí giống, phân bón, bù đắp thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, góp phần giúp nông dân ổn định cuộc sống”, ông Tiến cho biết thêm.
Tương tự, tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa), cơn bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trong đó, diện tích lúa hơn 145ha, hoa màu 47ha, thủy sản gần 5ha… Để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các doanh nghiệp đã hỗ trợ 44kg giống cải ngồng, đậu trạch; 400 gói chế phẩm Emuniv để xử lý phân gia súc, gia cầm, rác thải, phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ và xử lý ô nhiễm môi trường; 18 lít Clearshrim AP hóa chất xử lý môi trường; 2 tấn phân hữu cơ sinh học Thần nông 888HP.
Việc hỗ trợ giống, phân bón lúc này rất cần thiết để nông hộ tăng gia sản xuất phục hồi sau bão. Ngay sau khi được hỗ trợ, UBND xã phối hợp với các thôn tổ chức cấp phát hạt giống và phân bón cho 250 hộ dân tiến hành gieo trồng, cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ hạt giống rau, vật tư phân bón và chế phẩm sinh học xử lý môi trường đối với các hộ bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại 4 huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng. Số lượng là 8 tấn phân hữu cơ sinh học Thần nông 888HP02; 1.300 gói 200g chế phẩm vi sinh Emuniv xử lý ruộng đất và chuồng nuôi; 72 lít hóa chất xử lý môi trường Cleaashrim AP và 123,2kg hạt giống rau các loại (su hào, bắp cải, đậu trạch…) đã cấp phát toàn bộ cho người dân ở các huyện trên. “Việc hỗ trợ giống, vật tư cho bà con lúc này là rất cần thiết, nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng bão. Trung tâm và các doanh nghiệp mong muốn các hộ nhận được giống, vật tư sớm bắt tay sản xuất để tạo sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình”, bà Vũ Thị Hương nói.
Chăm sóc, khôi phục sản xuất
Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh) Lưu Văn Phương cho biết, hợp tác xã chỉ đạo các thành viên tích cực triển khai phương án thu hái chọn lọc để giảm thiệt hại, chặt hết cành cây bưởi gãy, tiến hành chăm bón phục hồi. Hợp tác xã triển khai các hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống mới, hỗ trợ tài chính đã được triển khai để giúp nông dân khôi phục sản xuất; đề nghị các ngành chức năng tham mưu các bộ, ngành, thành phố có chính sách hoãn, giãn nợ nguồn vốn vay, hỗ trợ đối với hợp tác xã, hộ gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, bên cạnh hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương xuống tận cơ sở giúp nông dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm in 7 loại tờ gấp hướng dẫn phục hồi sau bão lũ với số lượng 18.000 tờ, giao các tổ công tác phối hợp với các địa phương cấp phát tận tay, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân điều kiện, thủ tục vay vốn Quỹ Khuyến nông thành phố một cách nhanh nhất để người dân sớm có vốn khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
“Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng khôi phục sản xuất hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) quan tâm hỗ trợ các loại giống, vật tư cho nông dân ảnh hưởng cơn bão số 3, sớm khôi phục sản xuất, bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất đạt từ 2,5-3%. Để đạt mục tiêu trên, việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở ban hành 6 văn bản chỉ đạo công tác khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão lũ. Các địa phương đang cùng nông dân tích cực khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất tại các vùng rau, cây ăn quả, chăn nuôi…
Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất ngành Nông nghiệp, nhất là việc cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung. Cùng với đó, kiểm soát giá cả không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.