Gần 17.000 ha diện tích tôm nuôi thiệt hại do biến đổi thời tiết

Bình luận · 47 Lượt xem

9 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh trên tôm có chiều hướng giảm, nhưng diện tích bị thiệt hại do biến đổi thời tiết lại dần tăng mạnh.

Kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2024 của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 4.257ha, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích tôm nuôi nhiễm dịch bệnh gần 3.600ha và cá tra là 260ha.

Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…), ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316ha.

Cơ quan chuyên môn nhận định, bệnh trên tôm nuôi có chiều hướng giảm, nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi thời tiết, khí hậu lại có xu hướng tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 16.990ha.

Các địa phương vùng ĐBSCL như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, có diện tích tôm nuôi nhiễm dịch bệnh cao. Chủ yếu là bệnh: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, đỏ thân, phân trắng, còi và vi bào tử trùng. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra rải rác.

Riêng bệnh hoại tử gan tụy cấp, đã xảy ra tại 112 xã thuộc 43 huyện của 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, với diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 1.000ha. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp lớn nhất, với 319ha, tiếp đến là Trà Vinh và Bạc Liêu.

Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…) và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…) và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi chưa có vacxin phòng ngừa, tuy nhiên, bệnh này do vi khuẩn gây ra, nên có thể điều trị, nhưng sẽ tốn kém chi phí và không hiệu quả (do tôm thường bỏ ăn).

Do đó, Cục Thú y khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh chủ động cho tôm rất quan trọng, thông qua việc xử lý nguồn nước cấp vào ao. Nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh cũng cần được xử lý trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi.

Các hộ nuôi cũng cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y, có nguồn gốc rõ ràng để hạn chế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Hiện, dịch bệnh tiếp tục lưu hành trên diện rộng, tồn tại trong hệ sinh vật tự nhiên và trong cơ sở. Do đó, thời gian tới, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại sẽ còn rất cao, nếu cơ sở nuôi không nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học. Nhất là việc thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động để phát hiện sớm, kiểm soát tốt con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.

Một số diện tích ao nuôi ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bỏ trống, do mùa nghịch, dịch bệnh phát sinh khiến tôm nuôi bị thiệt hại, dẫn đến thua lỗ. Ảnh: Kim Anh.

Một số diện tích ao nuôi ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bỏ trống, do mùa nghịch, dịch bệnh phát sinh khiến tôm nuôi bị thiệt hại, dẫn đến thua lỗ. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, Cục Thú y đề nghị các cơ sở nuôi, cần có giải pháp đồng bộ khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi. Đó là quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi.

Nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Thực hiện quan trắc môi trường, lấy mẫu với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân; có kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo.

Ngoài ra, các hộ nuôi cần lưu ý nuôi tôm với mật độ thấp, cách vụ để giảm tải cho môi trường nuôi và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đến nay, cả nước đã có 33/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Trong đó, 15 tỉnh, thành phố bố trí hơn 25 tỷ đồng; 7 tỉnh có kinh phí cụ thể cho giám sát, xét nghiệm bệnh với tổng kinh phí là 2,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lượng các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản có kế hoạch chủ động và bố trí kinh phí chưa nhiều, không đủ để triển khai công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là kinh phí cho hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh và truyền thông.

Bộ NN-PTNT đã duyệt cấp 10 tỷ đồng tổ chức giám sát dịch bệnh trên các đối tượng nuôi; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và tổ chức giám sát dịch bệnh trong trường hợp có thủy sản chết bất thường. Bao gồm các đối tượng: tôm giống nhập khẩu, tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, cá nước lạnh, ngao/nghêu, cá nuôi biển.

Bình luận