Vai trò của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 231 Lượt xem

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu những chia sẻ của nghiên cứu sinh Nguyễn Lê Hoàng Long từ Đại học RMIT về cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tiếp theo lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và UAE, Thái Lan cũng đã yêu cầu nông dân hạn chế trồng lúa trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung về nước cho canh tác và sinh hoạt. Điều này được dự báo sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, đây là thời cơ vàng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới. Ảnh: LHV.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới. Ảnh: LHV.

Xét trên tình hình những năm qua, Việt Nam được biết đến với vai trò là một trong những nước xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới về số lượng. Tuy nhiên, về mặt chất lượng, chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu vững mạnh ở các thị trường khó tính. Vì vậy, tuy cơ hội xuất khẩu đã thấy rõ, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam nên đặt ra thách thức trong việc tận dụng cơ hội lần này để xây dựng chất lượng và thương hiệu cho Gạo Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để đạt được kì vọng lần này?

Theo nhận định của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, thói quen tiêu thụ phân bón và thuốc trừ sâu của nông dân trồng lúa Việt Nam, với quan điểm "càng nhiều càng tốt", đã dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào các hóa chất nông nghiệp, gây ra hậu quả đáng kể cho kinh tế và môi trường. Điều này ảnh hưởng sâu rộng đến hình ảnh và thương hiệu của gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế trong việc khẳng định tính bền vững và an toàn. Cho nên, để nắm lấy cơ hội vàng, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cần phải tối ưu và kiểm soát chặt chẽ lượng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu trong canh tác. Để làm được điều này, vai trò của việc đổi mới công nghệ trong canh tác nông nghiệp cần được nêu cao.

Khu vực ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước. Ảnh: LHV.

Khu vực ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước. Ảnh: LHV.

Các công nghệ liên quan đến nông nghiệp chính xác có thể là chìa khóa mở ra lợi thế cho Việt Nam. Một cách dễ hiểu, công nghệ nông nghiệp chính xác là tổ hợp các ứng dụng và thiết bị số giúp người nông dân kiểm soát hóa phẩm đầu vào bao gồm phân bón và thuốc trừ sâu. “Chính xác” ở đây có thể hiểu là chính xác về cả chất và lượng. Cụ thể hơn, bằng hệ thống các cảm biến theo dõi môi trường và điều kiện thổ nhưỡng, máy tính sẽ cho ra các thông tin đề xuất về nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa. Với cái thông tin này, người nông dân có thể tham khảo để đưa ra các quyết định tối ưu hơn trong việc sử dụng hóa phẩm nông nghiệp. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát dư lượng hóa chất trong đất và thành phẩm nông nghiệp. Do đó, Gạo Việt Nam có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa phẩm, và các tiêu chuẩn kĩ thuật ở những thị trường khó tính.

Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ như vậy cần một sự quan tâm và đầu tư lớn từ phía người nông dân cũng như các doanh nghiệp thu mua và Chính phủ. Người nông dân trồng lúa, với thói quen canh tác theo tư duy truyền thống và nhỏ lẻ, sẽ rất khó để tiếp cận với những công nghệ nêu trên.

Theo công trình xuất bản năm 2022 trên tạp chí Journal of Crop Improvement của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học RMIT, bao gồm nghiên cứu sinh Nguyễn Lê Hoàng Long, TS Alrence Halibas, và PGS Nguyễn Quang Trung, để nông dân ở các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận được với công nghệ nông nghiệp chính xác, vai trò của các điều kiện thuận lợi được tạo ra từ sự hỗ trợ của chính phủ và các doanh nghiệp thu mua là rất quan trọng. Trong đó, việc hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp được xem là quan trọng nhất.

Thu mua lúa tại ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Thu mua lúa tại ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Chuỗi các nghiên cứu mới đây nhất của nhóm cũng chỉ ra rằng người nông dân trồng lúa rất trông chờ vào chiến lược tiên phong của doanh nghiệp thu mua trong việc hợp tác đầu tư đổi mới công nghệ canh tác. Việc hợp tác đầu tư cho công nghệ được cho là sẽ tạo nên một chiến lược “win-win” (cùng thắng lợi) cho cả doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, người nông dân, với những lợi ích do công nghệ mang lại, có thể tối ưu chi phí và tăng sản lượng, trong khi doanh nghiệp thu mua có được nguồn cung lúa gạo đảm bảo chất lượng và an toàn để tiếp cận với các thị trường có biên lợi nhuận cao.

Đi sâu hơn vào thực tiễn, vì tính nhỏ lẻ và ‘manh mún’ của nông dân trồng lúa Việt Nam, việc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp thu mua trở nên rất khó khăn. Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận và đạt thỏa thuận với từng nông hộ. Vì vậy, vai trò liên kết nông dân của các hợp tác xã (HTX) sẽ mở ra “cửa sáng” cho quá trình hợp tác. Hơn nữa, thông qua HTX, doanh nghiệp sẽ có cơ hội liên kết các cánh đồng trên diện rộng một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ cao, vốn chỉ mang lại lợi thế nếu được áp dụng trên quy mô lớn.

Để tổng kết lại thảo luận trên, tuy rằng cơ hội phát triển cho xuất khẩu gạo Việt Nam đã được khẳng định trước xu hướng thắt chặt nguồn cung trên thị trường toàn cầu, chúng ta cần phải nghĩ xa hơn bởi đây cũng là cơ hội cho Việt Nam định vị lại thương hiệu trên thị trường gạo sạch, chất lượng cao của thế giới. Để làm được điều này, sự hỗ trợ từ chính phủ, hợp tác đầu tư của doanh nghiệp thu mua, và vai trò kết nối của HTX nông nghiệp được đưa lên hàng đầu trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến nông nghiệp chính xác

Bình luận